Hãng tàu nước ngoài thu 10 loại phụ phí, doanh nghiệp hàng hải gặp khó khăn

22/03/2024 21:11 GMT+7
Chiều 22/3, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa diễn ra tại TP.HCM do Bộ GTVT tổ chức. Lãnh đạo các doanh nghiệp đã đặt ra nhiều vấn đề và câu hỏi tới Bộ GTVT nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh ngành hàng hải đang gặp nhiều khó khăn.

Đặt vấn đề các hãng tàu, ông Nguyễn Kiều Hưng, đại diện hãng tàu Wanhai Việt Nam kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam bỏ quy định tàu chạy đêm để tạo điều kiện cho các hãng tàu tối ưu hóa khai thác.

Cùng với đó, ông Nguyễn Hoàng Anh, Thư ký Hiệp hội Visaba hỏi: "Hiện nay, các hãng tàu nước ngoài đang thu khoảng 10 loại phụ phí với hàng hóa đang xếp dỡ tại cảng. Các hãng tàu đơn phương và liên tục tăng phí phụ thu, phương án kiểm soát thế nào?".

Hãng tàu nước ngoài thu 10 loại phụ phí, doanh nghiệp hàng hải gặp khó khăn- Ảnh 1.

Hàng hoá tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh: TA

Đáp lại những câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đứng trước kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đã mời các bên cùng các hãng tàu ngồi lại để trao đổi. "Các hãng tàu lớn đã cam kết không tăng giá nữa trong khi một số hãng tàu sẽ giảm giá trong thời gian sớm nhất", ông Mười khẳng định.

Theo ông Mười, Bộ GTVT đang kiến nghị Bộ Tài chính để sửa Quy định 146; trong dài hạn sẽ tham mưu để sửa Nghị định 158. Các hãng tàu phải đăng ký các tuyến cố định, cơ quan quản lý không cho phép hãng tàu đơn phương tăng giá, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các cục, vụ, Sở GTVT triển khai các nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các loại hình vận tải và vận tải đa phương thức.

Bộ trưởng Thắng yêu cầu các đơn vị khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng.

Đồng thời, rà soát các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.

Trong đó, ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, qua đó giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam với khu vực và thế giới.

Trong năm 2023, vận tải hàng hoá đã tăng 15,5% so với 2022, trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy đạt 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%), Bộ trưởng nhận định đó là mức tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, vận chuyển hành khách đường thủy cũng tăng 6,4%, đường biển tăng 10,2%.

Bộ GTVT dự báo, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết, biến đổi khí hậu bất thường dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Hiện nay với thị phần vận tải hàng hoá và hành khách của đường bộ chiếm tỷ trọng cao (79,84% về hàng hoá, 91,79% về hành khách).

Do đó, để tái cơ cấu thị phần vận tải, Bộ GTVT sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp và ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa để chia sẻ thị phần vận tải đường bộ và đường sắt, đặc biệt trên hành lang vận tải Bắc - Nam.

Thế Anh
Cùng chuyên mục