Hậu thương vụ “khủng” 2,8 tỷ USD, tương lai nào cho VPBank và SMBC?

06/05/2021 13:40 GMT+7
Sau thương vụ bán 49% vốn FE Credit mang về cho VPBank gần 1,4 tỷ USD, thương vụ có giá trị cao kỷ lục trong lĩnh vực ngân hàng, trong tương lai SMBC - 1 trong 3 tập đoàn tài chính hàng đầu tại xứ sở Hoa Anh Đào có thể sẽ là đối tác chiến lược của VPBank?

Sau nhiều đồn đoán, VPBank cuối cùng cũng chốt việc bán cổ phần FE Credit cho Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC, Nhật Bản).

Với mức định giá FE Credit lên tới 2,8 tỷ USD, thương vụ mua 49% cổ phần FE Credit có giá trị xấp xỉ 1,4 tỷ USD – đây được xem là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào một tổ chức tài chính của Việt Nam.

Hậu thương vụ “khủng” 2,8 tỷ USD, tương lai nào cho VPBank và SBMC? - Ảnh 1.

VPBank ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản

Bán vốn tại Fe Credit, thương vụ M&A khủng nhất lĩnh vực ngân hàng

Theo báo cáo Fiingroup, FE Credit đang nắm giữ khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, bỏ xa công ty tài chính tiêu dùng xếp thứ 2 và 3 về thị phần.

FE Credit cũng là công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ sinh lời tốt nhất hệ thống công ty tài chính, ROAA và ROAE năm 2020 lần lượt đạt 4,2% và 26,9%, luôn cao gấp 2 lần so với trung bình các công ty tài chính.

Trong giai đoạn 2017-2019, FE Credit đóng góp 45-50% trong tổng lợi nhuận hợp nhất mỗi năm của VPBank.

Dữ liệu thu thập được cho thấy, từ khi thành lập đến nay, FE Credit đã đóng góp cho VPBank trên dưới 20.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Được đánh giá là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank, vì vậy thay vì IPO FE Credit để thu về khoản lợi nhuận có thể lên tới 4 tỷ USD, VPBank lại lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để chuyển nhượng lại 49% vốn tại FE Credit.

"Nếu bán 100% vốn FE Credit thì chỉ cần quan tâm đến giá, nhưng chúng ta vẫn muốn nắm quyền chi phối và giữ mục tiêu dài hạn. Chúng tôi quyết định lựa chọn phương án hợp tác với nhà đầu tư chiến lược SMBC, mục tiêu đưa FE Credit lên những tầm cao mới", ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank chia sẻ tại đại hội cổ đông mới đây.

Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam được nhìn nhận là còn nhiều dư địa phát triển, nhưng để tồn tại trong thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, các công ty tài chính phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường.

Cộng thêm việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý cộng với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn khiến tài chính tiêu dùng không phải là miếng bánh dễ xơi.

Thực tế, SHB sau hơn 3 năm mua lại Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) và đổi tên thành SHB Finance vẫn chưa thể bứt phá.

Tương tự, MSB sau khi mua Tài chính dệt may (FCCOM hiện nay) vẫn chưa thể vực dậy công ty này. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận của FCCOM chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.

Với FE Credit, dường như "trần" lợi nhuận của FE Credit đã tới hạn. Đơn cử như năm 2020, lãi trước thuế của FE Credit đạt hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước. Mức đóng góp của công ty tài chính này cũng giảm xuống chỉ còn 28% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank.

Vì thế, muốn tăng thị phần, đồng thời tăng lợi nhuận lên một tầm cao mới, FE Credit cần được thổi một "luồng gió mới", và SMBC – 1 trong 3 tập đoàn tài chính hàng đầu tại xứ sở Hoa Anh Đào chính là lựa chọn hợp lý ở thời điểm này.

Hậu thương vụ “khủng” 2,8 tỷ USD, tương lai nào cho VPBank và SBMC? - Ảnh 3.

Trong giai đoạn 2017-2019, FE Credit đóng góp 45-50% trong tổng lợi nhuận hợp nhất mỗi năm của VPBank.

Đề cập về con số 2,8 tỷ USD định giá của thương vụ này, TS. Quách Mạnh Hào, Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt nam - Anh Quốc, Đại học Lincoln - Vương quốc Anh cho rằng, với mức lợi nhuận tạo ra khoảng 150 triệu USD (khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid), mức định giá 2,8 tỷ USD cho FE Credit, tương đương P/E 14-18,6, nằm trong vùng định giá của thị trường chứng khoán. Do đó, mức định giá 2,8 tỷ USD là hoàn toàn hợp lý (chưa tính đến giá trị cộng hưởng từ kết hợp thế mạnh của SMBC và FE Credit mang lại)

Dưới quan điểm cá nhân, TS. Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu kế toán Úc cho rằng, với lĩnh vực tiềm năng của tài chính tiêu dùng và đang nắm thị phần chi phối tại Việt Nam, giá trị thương vụ giữa VPBank và SMBC là "không hề cao một chút nào", nếu tính đến giá trị rất quan trọng trong hoạt động M&A là giá trị cộng hưởng.

"Giá trị cộng hưởng đó là khi 2 tổ chức có quan hệ với nhau thì 1 cộng 1 không bằng 2 mà 1+1 bằng 3, bởi nó tạo ra uy tín, vốn, năng lực quản trị,… trên thị trường 96 triệu dân này", ông Long giải thích thêm.

Tương lai của VPBank và SMBC?

Việc giá trị 2,8 tỷ USD cao hay thấp trong "cú bắt tay" này, theo ông Long không còn là vấn đề đáng lưu tâm mà câu hỏi đặt ra hiện nay đó là tương lai của VPBank sẽ thay đổi như thế nào?

Một trong những chi tiết không thể bỏ qua đó là, trước khi đầu tư vào FE Credit, Tập đoàn SMBC đã sở hữu 15,07% cổ phần tại Eximbank – một ngân hàng cổ phần gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

TS Phan Lê Thành Long cho rằng, với SMBC, "rót tiền" vào Eximbank có thể là thương vụ đầu tư không thành công đối với tổ chức này, dường như tổ chức này đang tìm kiếm một cơ hội đầu tư mới đối với các ngân hàng khác và VPBank là một trong những ứng viên trong lựa chọn đầu tư của SMBC.

"Hiện tại là FE Credit, nhưng tương lai, SMBC có thể là đối tác chiến lược của VPBank", ông Long nêu quan điểm.

Cũng theo vị này, năm 2020, lợi nhuận của VPBank là hơn 10.000 tỷ, vốn điều lệ gần 26.000 tỷ đồng nhưng điểm lưu ý là thặng dư vốn của nhà băng nay ở mức thấp. Tuy nhiên, VPBank có hơn 2.200 tỷ đồng cổ phiếu quỹ (tại thời điểm 31/12/2020). Đó là những nguồn có thể thấy được ngân hàng sẽ có được đối tác chiến lược như SMBC trong tương lai.

Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, theo ông Long sẽ giúp cho ngân hàng không chỉ về vốn mà còn về uy tín, nhất là khi VPBank chưa có đối tác chiến lược; cải thiện năng lực quản trị - một trong những lĩnh vực ưu tiên và chuyển đổi thành ngân hàng số mạnh mẽ hơn nữa.

Điều này cũng không phải không có cơ sở, tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cũng đã tiết lộ kế hoạch tìm đối tác chiến lược cho ngân hàng này.

"Hiện room ngoại của VPBank mới chỉ khoảng 22,77%, chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục phát hành cổ phiếu, huy động vốn cho ngân hàng, có thể thực hiện vào cuối năm nay", ông nói.

Lãnh đạo ngân hàng cũng tiết lộ, VPBank sẽ dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ hiện có (hiện có 75 triệu cổ phiếu quỹ) để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Ông Dũng cho biết, nếu đạt thỏa thuận tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ đáp ứng lớn hơn kỳ vọng của nhà đầu tư về thặng dư cổ phiếu quỹ thời gian tới. Đó cũng là lý do vì sao đến hiện tại, giá cổ phiếu của VPBank ở mức cao nhưng nhà băng này vẫn chưa có ý định "giải phóng" số cổ phiếu quỹ kể trên.

H.Anh
Cùng chuyên mục