Hé lộ khối tài sản khổng lồ của Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai (ASM) Lê Thanh Thuấn
Ông Lê Thanh Thuấn, sinh ngày 10/3/1958, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa. Trình độ: Kỹ sư xây dựng.
Giai đoạn 1977 -1986, ông Lê Thanh Thuấn công tác tại các cơ quan Nhà nước của tỉnh An Giang. Sau đó, từ năm 1997 đến nay, ông giữ chức vụ thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (ASM).
Ngoài ra, ông Thuấn hiện còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (IDI), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Địa ốc và Khoáng sản châu Á, Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Du lịch và phát triển Thủy sản (Trisedco, DAT).
Hiện tại, ông Thuấn là cổ đông lớn tại Tập đoàn Sao Mai, sở hữu 64.982.431 cổ phần tương ứng nắm giữ 19,31% vốn điều lệ Tập đoàn này.
Tại Trisedco, ông Thuấn giữ 1.811 cổ phần, chiếm 3,94% vốn điều lệ.
Ông Lê Thanh Thuấn hiện nằm trong top 200 tỷ phú giàu nhất Việt Nam. Chỉ tính riêng sở hữu tại Tập đoàn Sao Mai và Trisedco tài sản của ông Lê Thanh Thuấn ước khoảng 1.206 tỷ đồng.
Tập đoàn Sao Mai đã có 12 lần tăng vốn điều lệ, hiện vốn điều lệ của Tập đoàn này là 3.364,3 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sao Mai nắm vốn điều lệ như sau: Ông Lê Thanh Thuấn chiếm 19,31%, bà Lê Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch HĐQT nắm 5,33%, ông Nguyễn Văn Hung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ nắm 0,15%.
Theo thông tin tại báo cáo quản trị của Tập đoàn Sao Mai, tại thời điểm cuối năm 2021 người nhà của ông Thuấn có nhiều người là cổ đông lớn của công ty: vợ ông Thuấn – bà Võ Thị Thanh Tâm giữ 5,20%, hai con gái Lê Thị Thu Nguyệt và Lê Thị Thiên Trang lần lượt nắm giữ 5,33% và 5,14% và “quý tử” Lê Tuấn Anh giữ 11,26% cổ phần ASM.
Bên cạnh đó, anh trai ông Thuấn – ông Lê Văn Thông sở hữu 0,21% cổ phần, bà Lê Thị Thúy (em gái) giữ 0,06%, ông Lê Văn Thủy (em trai) giữ 0,50%, ông Lê Văn Chung (em trai) giữ 0,79%, ông Lê Văn Thành (em trai) giữ 0,29% cổ phần ASM.
Như vậy, người nhà ông Lê Thanh Thuấn nắm giữ tới 48,09% cổ phần tại ASM.
Sự nghiệp của ông Lê Thanh Thuấn có nhiều bước tiến khi bắt đầu thành lập Tập đoàn Sao Mai.
Tiền thân của Tập đoàn Sao Mai (trước đây là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh AN Giang) là Công ty liên doanh Kiến trúc tỉnh An Giang, được thành lập theo Quyết định số 000450/GP/TLDN-03 ngày 5/2/1997 của UBND tỉnh An Giang với vốn điều lệ ban đầu là 905 tỷ đồng.
Trụ sở chính của Tập đoàn Sao Mai tại số 326 Hùng Vương, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Hiện Tập đoàn có 3 văn phòng đại diện, 6 chi nhánh, 11 công ty con, 1 công ty góp vốn.
Tập đoàn Sao Mai hoạt động chính trong các lĩnh vực Xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông; Sản xuất và mua bán vật liệu xây dựng; Kinh doanh bất động sản; Xuất khẩu thủy sản…
Năm 2010, cổ phiếu Tập đoàn Sao Mai: ASM niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).
Các dự án tiêu biểu của Sao Mai phải kể đến là: Chuỗi khu đô thị cao cấp Sao Mai – Bình Khánh, Khu đô thị Sao Mai – Lấp Vò và các dự án bất động sản khác tại Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Thanh Hoá, Đồng Tháp, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại An Giang.
Dưới sự chèo lái của đại gia xứ Thanh Lê Thanh Thuấn, hầu hết các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Sao Mai Group ghi nhận doanh thu tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây.
Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2016-2017, doanh thu thuần Sao Mai Group cao nhất chỉ đạt trên 2.100 tỷ đồng.
Năm 2018, kết quả kinh doanh của Sao Mai Group tăng đột biến khi doanh thu vọt lên 8.887,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.197,8 tỷ đồng lần lượt tăng 323% và 614% so với năm 2017.
Được biết, trong năm 2018, Sao Mai Group đã đầu tư vào Nhà máy điện mặt trời Sao Mai với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của công ty vẫn tiếp tục tăng “không ngờ” lên tới 14.223,8 tỷ đồng tăng 60% , tuy nhiên lợi nhuận giảm 31,2% so với năm trước đó.
Năm 2020, Sao Mai tiếp tục đầu tư vào nhiều dự án như Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (giai đoạn 3 và 4) với giá trị đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Tại Báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu các lĩnh vực cốt lõi như thủy sản, bất động sản lần lượt giảm 14% và 25%. Tuy nhiên, tại lĩnh vực năng lượng mặt trời, Sao Mai Group ghi nhận doanh thu ở mảng này tăng trưởng mạnh 127% so với cùng kỳ, đạt 515 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh thu thuần năm 2020 vẫn bị giảm 11,8% về 12.524,6 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 30,5% còn 572,3 tỷ đồng.
Năm 2021, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch, song tình hình kinh doanh của Sao Mai vẫn khá khởi sắc. Doanh thu thuần giảm 8% về 11.397,9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 22,8% lên 703,9 tỷ đồng.
Trong quý I/2022, doanh thu thuần Sao Mai đạt 3.209 tỷ đồng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, lên 324 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 208,8 tỷ đồng, tăng 83,4%.
Tổng tài sản của Sao Mai Group cũng tăng vọt theo từng năm. Cụ thể, năm 2018 tài sản Sao Mai tăng gấp 2,4 lần năm 2016 đạt 11.975,4 tỷ. Và từ 2018 đến nay, tài sản đều tăng trưởng trung bình mỗi năm lên gần 50 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Sao Mai đạt 18.169,1 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2022, tổng tài sản của Sao Mai tăng nhẹ 3% lên 18.897,7 tỷ đồng.