Hỗ trợ lãi suất làm nhà ở xã hội, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phát hành trái phiếu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan căn cứ chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu chính phủ, hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng vấn đề này trong tháng 4/2024. Đây là lần đầu Chính phủ đề cập tới phương án phát hành trái phiếu chính phủ cho phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó vào tháng 2/2024, tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất phương án phát hành trái phiếu Chính phủ khi phát triển phân khúc này. Việc này để có nguồn lực cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, đến nay đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương đã được vay vốn với số tiền khoảng 640 tỷ đồng.
Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương vay 95,7 tỷ đồng. VietinBank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang vay 128,6 tỷ đồng. Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Kiên Giang vay 415,7 tỷ đồng.
Về khó khăn trong việc vay vốn làm nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện để được vay như: không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng, vì dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp.
Về lãi suất và thời gian hưởng lãi suất của các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm với chủ đầu tư, 5 năm với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Trong tháng 3/2023, triển khai nghị quyết 33 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại cam kết dành gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay mua, đầu tư phát triển nhà ở xã hội với lãi suất cho vay thấp hơn lãi vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng từ 1,5-2%. Và định kỳ 6 tháng Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào lãi vay thương mại trên thị trường để điều chỉnh lãi vay của gói 120.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhận định, hiện nay chưa bố trí nguồn vốn ngân sách trung hạn để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng cho nhà ở xã hội nên thực tiễn là có một vài khoản chi nhỏ giọt. Trong đó, gói 120.000 tỷ đồng về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội.
"Tôi cho rằng gói gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nên bổ sung đối tượng là người vay mua nhà ở thương mại có giá 3 tỷ đồng trở xuống được vay. Đề nghị Quốc hội bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 cho gói tín dụng nhà ở xã hội, với lãi suất 4,8 - 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hằng năm", ông Châu kiến nghị.