Hòa Phát (HPG) đặt mục tiêu lãi 10.000 tỷ đồng, sẽ làm thép đường ray cường độ cao

13/04/2024 08:23 GMT+7
Ngày 11/4, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% va 46% so với năm 2023.

Đồng thời, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 thông qua đề xuất tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 là 10%.

Hòa Phát (HPG) đặt mục tiêu lãi 10.000 tỷ đồng, sẽ làm thép đường ray cường độ cao- Ảnh 1.

Trích nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Đáng chú ý, tại Đại hội, cổ đông Hòa Phát thông qua phát hành gần 581,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 (thưởng cổ phiếu). Tỷ lệ phát hành là 10%, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ doanh nghiệp tăng lên 63.962 tỷ đồng, tương ứng với gần 6,4 tỷ cổ phiếu lưu hành. Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần 3.212 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giá trị 2.603 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến vào quý II/2024 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Hoà Phát sẵn sàng đấu thầu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam

Ngoài ra, Đại hội thông qua việc miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát đối với bà Lê Minh Thúy và không bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 - 2026. Do đó, số lượng thành viên Ban Kiểm soát của Hòa Phát nhiệm kỳ 2021 - 2026 còn lại là 3 người.

Bên cạnh đó, cổ đông HPG cũng biểu quyết thông qua việc bổ sung 2 thành viên HDDQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ông Chu Quang Vũ và ông Đặng Ngọc Khánh, đưa số thành viên HĐQT Hòa Phát lên thành 9 người.

Tại phần thảo luận, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, Hòa Phát đang nghiên cứu làm tôn silic để cho ra thép dùng trong mô tơ điện và làm từ gốc - đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Ban lãnh đạo cũng hé lộ việc Hòa Phát sẽ làm thép đường ray cường độ cao và Tập đoàn cũng đang tiến hành những bước đầu tiên, sẵn sàng đấu thầu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Trước câu hỏi cổ đông về việc đề xuất điều tra chống bán giá thép cán nóng, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, không thể chấp nhận được việc sản xuất trong nước có 6,7 triệu HRC mà nhập khẩu lên tới 9,6 triệu tấn HRC trong năm 2023.

"Không một nước nào trên thế giới này chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn sản xuất trong nước. 30 năm trước Việt Nam chỉ sản xuất có 300.000 tấn thép và chưa có tên trên bản đồ thép thế giới thì nay đã tự hào khi đã có tên trên bản đồ, đặc biệt là sản xuất được thép chế tạo, thép cao cấp. Hiện, Việt Nam cũng là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn", ông Long chia sẻ.

Tỷ phú Trần Đình Long đang "rút dần" khỏi Hòa Phát 

Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Tập đoàn thành lập từ 1992, tính đến nay là 32 năm và niêm yết cổ phiếu HPG lên sàn chứng khoán từ năm 2007. Đây là một quá trình đủ dài, tính công khai minh bạch cũng như vận hành rất rõ ràng.

"Nếu hỏi về hoạt động kinh doanh, mọi người đừng hỏi tôi vì sự thật là tôi đang rút ra dần. Năm nay tôi cũng đã 64 tuổi, bình thường theo Nhà nước là nghỉ hưu lâu rồi. Giờ đây, anh Nguyễn Việt Thắng (Thành viên HĐQT) làm là chính. Cái gì về điều hành, chiến lược, quy chế, nhân sự tổ chức cấp cao, vốn sẽ do Hội đồng quản trị, do tôi đại diện phụ trách", ông Long cho biết.

Tỷ phú Trần Đình Long cũng nói thêm, về điều hành hàng ngày, cụ thể về thép, về giá bán, ông không biết vì "có biết cũng chẳng để làm gì". Còn việc như mua nguyên vật liệu, bán cho ai sẽ do ban điều hành làm.

"Nếu mọi người nghĩ cứ Hòa Phát là ông Long làm hết thì không phải đâu", Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ.

Linh Anh
Tags:
Cùng chuyên mục