Hợp tác xã ở Quảng Nam đưa sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP

06/12/2024 09:02 GMT+7
Những năm qua, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả. Kèm theo đó, là chính sách khuyến khích, hỗ trợ để đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là các sản phẩm từ địa phương thành sản phẩm OCOP.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương để vươn xa

Thành lập năm 2021 với 7 thành viên, đến nay Hợp tác xã (HTX) Nông - Ngư nghiệp Núi Thành ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã phát triển lên gần 40 thành viên và phát huy hiệu quả thế mạnh mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn.

Hợp tác xã ở Quảng Nam đưa sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Thành lập năm 2021 với 7 thành viên, đến nay Hợp tác xã (HTX) Nông - Ngư nghiệp Núi Thành ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã phát triển lên gần 40 thành viên và phát huy hiệu quả thế mạnh mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn. Sản phẩm chả cá mối Tam Tiến của HTX được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm này đảm bảo quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn HACCP, đạt chứng nhận OCOP 4 sao vào năm 2022. Ảnh: V.P

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Tiến Mạnh (trú xã Tam Tiến) đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, sau đó về công tác tại Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam. Nhận thấy những mặt tích cực của mô hình kinh tế tập thể, anh Mạnh đã về quê và cùng một số người quen thành lập HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành với mong muốn chung tay phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

"Ban đầu với nguồn vốn eo hẹp và chọn quê nhà để khởi nghiệp, bước đầu tôi xoay xở rất khó khăn. Nhưng do yêu cái nghề và sản phẩm quê nhà và tận dụng điều kiện có sẵn của từng thành viên tôi đã nhìn ra những điểm sáng khi đầu tư sản xuất, kinh doanh…", anh Mạnh cho biết.

Hợp tác xã ở Quảng Nam đưa sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Điểm bán hàng OCOP nông thôn của HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành. Ảnh: V.P

Ban đầu mới thành lập, HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành có 7 thành viên tham gia góp vốn, do anh Nguyễn Tiến Mạnh làm Chủ tịch HĐQT, tổ chức chế biến sâu thủy sản, nhất là tập trung phát triển sản phẩm chả cá mối Tam Tiến khi được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm này đảm bảo quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn HACCP, đạt chứng nhận OCOP 4 sao vào năm 2022 và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam.

Từ mô hình sản xuất này, HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 5 lao động thời vụ. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HTX trong giai đoạn 2021 - 2024 đạt hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

Hợp tác xã ở Quảng Nam đưa sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Thành lập năm 2021 với 7 thành viên, đến nay Hợp tác xã (HTX) Nông - Ngư nghiệp Núi Thành ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã phát triển lên gần 40 thành viên. Ảnh: V.P

"Từ lúc mới thành lập HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành cũng là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành cho đến bây giờ, kết quả về doanh số là điều chúng tôi không ngờ tới. Hôm nay, HTX đã có cơ sở hạ tầng khá ổn định sở hữu một xưởng chế biến thủy sản với diện tích 100m2 và một điểm bán hàng", anh Mạnh chia sẻ.

Chị Lê Thị Qui (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) là một trong 7 thành viên tham gia thành lập HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành cho biết, những ngày đầu, mọi thứ còn khá mới mẻ nên mọi người đều phải cố gắng, sản xuất kinh doanh linh hoạt, lợi nhuận chia đều theo công sức.

Theo báo cáo tại hội nghị thành viên HTX giai đoạn 2024 - 2026 vừa mới tổ chức vào tháng 10/2024, HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành đến nay đã phát triển được 39 thành viên chính thức và 5 thành viên liên kết. Trong giai đoạn tiếp theo HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kiện toàn lại bộ máy hoạt động cho phù hợp với quy định của Luật HTX năm 2023 có hiệu lực.

Anh Nguyễn Tiến Mạnh nói thêm, thời gian tới, ngoài việc phát triển thị trường cho các sản phẩm chế biến sâu từ thủy sản, HTX sẽ tổ chức liên kết sản xuất các loại cây trồng công nghiệp ngắn ngày phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương như mè, khoai lang...

Và triển khai xây dựng trạm thực nghiệm giống cây trồng nhằm thử nghiệm các loại giống cây trồng mới sau đó triển khai cho thành viên và nhân dân. Thực hiện liên kết 4 nhà, đó là nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp để hướng tới mô hình kinh tế bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, HTX Nông - Ngư nghiệp Núi Thành với đội ngũ nhân sự trẻ, năng động, sáng tạo đã dựa vào thế mạnh địa phương sản xuất ra các sản phẩm chế biến sâu từ thủy sản được thị trường đón nhận. Thời gian qua, HTX cũng có nhiều nỗ lực trong việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cùng ngư dân và có được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Lãnh đạo UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác hỗ trợ thành lập mới được thực hiện tốt, hiện có 50 HTX hoạt động hiệu quả, trong đó có 12 HTX phi nông nghiệp duy trì hoạt động tốt và có 38 HTX Nông nghiệp đều đang triển khai hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là mục tiêu xây dựng NTM của toàn huyện.

Hợp tác xã ở Quảng Nam đưa sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Theo lãnh đạo huyện Núi Thành, tại huyện Núi Thành hiện có 50 HTX hoạt động hiệu quả, trong đó có 12 HTX phi nông nghiệp duy trì hoạt động tốt và có 38 HTX Nông nghiệp đều đang triển khai hoạt động hiệu quả. Ảnh: T.H

"Hiện có nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, áp dụng các thiết bị khoa học kĩ thuật, lồng ghép các quy trình khoa học, tự động hóa, cơ giới hóa vào quy trình sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp.

Toàn huyện Núi Thành có 15 HTX nông nghiệp đang hoạt động có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Các liên kết được thực hiện đạt kết quả, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và nông dân tham gia dự án hưởng lợi, tạo tiền đề cho các hộ dân trên địa bàn cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh cũng lĩnh vực dần có định hướng thương mại, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất sản xuất. Góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Số lượng sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của các HTX ngày càng tăng, sản phẩm có chất lượng tốt, đến nay đã có 14 sản phẩm đạt OCOP của 11 HTX", lãnh đạo UBND huyện Núi Thành cho biết.

Hợp tác xã ở Quảng Nam đưa sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Sản phẩm dầu phộng Tam Giang của HTX Thuận An huyện Núi Thành, đây là sản phẩm của địa phương sản xuất thành công làm nên thương hiệu. Ảnh: CTV

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Núi Thành, để tiếp tục đẩy mạnh, khuyến khích, hỗ trợ thành lập HTX, nhất là các HTX có phương án sản xuất kinh doanh các sản phẩm có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuổi giá trị, có nhiều thành viên và nhiều hộ nông dân tham gia, giải quyết được nhiều lao động, việc làm tại nông thôn. Quan tâm hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương.

Kịp thời vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ cho HTX từ Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, các chương trình OCOP, nguồn kinh phí Khuyến công, nguồn kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuổi giá trị theo Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Hợp tác xã ở Quảng Nam đưa sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Sản phẩm OCOP của huyện Núi Thành đa dạng, phong phú. Ảnh: CTV

"Theo đó, hỗ trợ thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của HTX nông nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để củng cố bộ máy quản lý hợp tác xã, công tác liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực đảm bảo kinh doanh có hiệu quả nhằm duy trì và phát triển hợp tác xã.

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyện môn của huyện với các cơ quan, đơn vị và địa phương để tham mưu UBND huyện triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách và quản lý đối với các hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đối với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Sở NN&PTNT, Liên mình HTX tỉnh Quảng Nam để có sự hỗ trợ tốt hơn cho các hợp tác xã. Trong đó, cần quan tâm chỉ tạo điều kiện để các hợp tác tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định một cách thuận lợi nhất", lãnh đạo huyện Núi Thành nhấn mạnh.

Trương Hồng - Vĩnh Phan
Cùng chuyên mục