HoREA kiến nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi thông báo phá dỡ nhà chung cư

14/02/2023 13:22 GMT+7
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi thông báo phá dỡ nhà chung cư và góp ý một số điều của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

HoREA cho rằng, Điều 25 và 26 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mặc dù không còn sử dụng cụm từ "sở hữu nhà chung cư có thời hạn" hoặc "gia hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư", nhưng thực chất vẫn giữ quan điểm "sở hữu nhà chung cư có thời hạn".

HoREA chỉ ra nguyên nhân là vì trong Điều 25 dự thảo vẫn tiếp tục quy định "chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi UBND cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư"; và Điều 26 cũng quy định "xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay cả nước có hơn 4.500 khu nhà chung cư tại các đô thị. Riêng TP.HCM có hơn 1.569 khu nhà chung cư với hơn 2.550 tòa nhà có hàng trăm ngàn căn hộ nhà chung cư, trong đó 474 khu nhà chung cư xây dựng trước 1975.

Do đó, HoREA nhận thấy, Điều 25 và Điều 26 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định như trên, sẽ tác động bất lợi đến sự nghiệp đô thị hóa theo định hướng tại khoản 4 Điều 14 Luật Nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 7 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định "Tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư.

HoREA kiến nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi thông báo phá dỡ nhà chung cư - Ảnh 1.

HoREA kiến nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi thông báo phá dỡ nhà chung cư (Ảnh: TN)

Chủ tịch HoREA cho rằng các quy định này không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đa số người dân mua căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Do vậy, HoREA kiến nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi UBND cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư. Trong trường hợp chung cư được phá đi xây lại, vẫn cần thiết phải quy định xác lập quyền sở hữu đất cho người dân.

Điều này nhằm bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp 2013, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đa số người dân và để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, không làm phát sinh tâm lý bất an trong xã hội.

Ngoài ra, HoREA đề xuất bổ sung quy định nhà ở riêng lẻ là nhà trọ có phòng ở cho thuê vào khoản 2 Điều 3 và bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, lao động thuê ở vào Điều 74 và Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo HoREA, tại các đô thị nhất là xung quanh các khu công nghiệp, trường đại học có nhiều nhà ở riêng lẻ là nhà trọ có phòng ở cho thuê của cá nhân, hộ gia đình. Đơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 60.470 nhà trọ với khoảng 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê ở. Trong đó, có một số nhà trọ là nhà ở riêng lẻ trên 1 thửa đất ở riêng biệt quy mô lớn trên dưới 200 phòng cho thuê.

Tuy nhiên, hiện nay, Thông tư số 09/2021/TT-BXD đã thay thế Thông tư số 20/2016/TT-BXD không còn quy định tiêu chuẩn xây dựng của phòng trọ và tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 09/2021/TT-BXD có quy định: "Tiêu chuẩn thiết kế, điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ và việc quản lý chất lượng, khai thác và quản lý sử dụng nhà ở xã hội do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch".

Vì vậy, cần bổ sung khái niệm nhà ở riêng lẻ là nhà trọ có phòng cho thuê vào khoản 2 Điều 3 và bổ sung đối tượng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, lao động thuê ở vào Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và định hướng phát triển lành mạnh đối với hoạt động kinh doanh nhà trọ.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục