HSBC cảnh báo 'nóng' về lạm phát Việt Nam liên quan đến giá xăng dầu

10/03/2022 12:01 GMT+7
Các chuyên gia thuộc HSBC nhận định, nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao và thiếu hụt nguồn cung trong nước đang là thách thức lớn của Việt Nam. Qua đó, rủi ro lạm phát liên quan đến giá xăng dầu cần được Việt Nam đặc biệt lưu tâm...

Thương mại của Việt Nam bị tác động thấy rõ

Theo HSBC, những tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự phục hồi vững vàng. Trong tháng 2, xuất khẩu tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ các ngành khác đều tăng trưởng, cho thấy các yếu tố bên ngoài Việt Nam đang "hừng hực khí thế". 

Cảnh báo 'nóng' về lạm phát liên quan đến giá xăng dầu - Ảnh 1.

Nguồn: CEIC, HSBC

Cảnh báo 'nóng' về lạm phát liên quan đến giá xăng dầu - Ảnh 2.

Nguồn: CEIC, HSBC

Mặc dù vậy, một bất ngờ xảy ra trong ngành điện tử liên quan đến sự kiện Samsung ra mắt điện thoại mới vốn là "cú hích" quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam. Theo lịch, sự kiện này thường diễn ra vào cuối tháng 2 nhưng mẫu điện thoại chủ lực Galaxy S222 của Samsung lại có vẻ bị lỗi hẹn vì giao hàng chậm. 

"Tuy nhiên, tác động sẽ chỉ là tạm thời và chúng ta có đủ lý do để giữ tâm thế tích cực đối với động lực tăng trưởng bên ngoài của Việt Nam", báo cáo từ HSBC cho biết. 

Thực tế, nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Ví dụ, gần đây Samsung vừa "bơm" 920 triệu USD để mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện điện thoại ở Thái Nguyên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu tăng cao, thương mại của Việt Nam đã bị tác động thấy rõ. 

Trong khi hiệu ứng cơ sở và ngành hàng điện tử thường xuyên cần nhập khẩu là những nguyên nhân chính phía sau tăng trưởng nhập khẩu mạnh mẽ, nhập khẩu xăng dầu trong tháng 2 tăng gần gấp đôi mức trung bình một tháng của năm 2021. 

Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm 2,4 triệu mét khối trong quý 2/2022. 

Nguyên nhân là Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất xuống còn 80% và tạm ngưng nhập khẩu dầu thô từ tháng 1. 

Ngoài tăng nhập khẩu, Chính phủ cũng lên kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia.

Hiện thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong khi nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước, trong đó có Việt Nam triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Quý I/2022, lạm phát có thể tăng 2-2,2% 

Hiển nhiên, theo HSBC, giá nhiên liệu tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước, một xu hướng đã kéo dài được một thời gian. 

Thực tế cho thấy, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 7 lần và đều tăng liên tục. So với kỳ điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng E5 đã tăng thêm gần 2.918 đồng/lít, xăng RON95 tăng 2.958 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.071 đồng/lít. 

Với các tác nhân nêu trên, giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/03/2022 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng từ 27-44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng 10% làm lạm phát tăng 0,36%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI hai tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm trước, việc tăng giá xăng dầu làm CPI chung tăng tới 1,63 điểm phần trăm.

Theo các chuyên gia, nếu giá xăng dầu trong nước có thể lên sát 30.000 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh ngày mai, xét trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI, yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm giao thông, đứng thứ 3 về quyền số tính CPI. Bên cạnh đó, giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm đứng đầu chiếm hơn 33% quyền số tính CPI - cũng gián tiếp bị ảnh hưởng.

Mặc dù vậy, hiệu ứng cơ sở thấp phần nào xoa dịu những khó khăn trước mắt. Tất nhiên, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu.

Cảnh báo 'nóng' về lạm phát liên quan đến giá xăng dầu - Ảnh 3.

Nguồn: CEIC, HSBC

Cảnh báo 'nóng' về lạm phát liên quan đến giá xăng dầu - Ảnh 4.

Nguồn: CEIC, HSBC

Cảnh báo 'nóng' về lạm phát liên quan đến giá xăng dầu - Ảnh 5.

Nguồn: CEIC, HSBC

Xăng dầu tăng giá kéo theo giá cả nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu khác tăng đột biến, áp lực lạm phát cho năm 2022 được các chuyên gia kinh tế đánh giá là “rất lớn”.

Tổng cục Thống kê cũng nhận định, áp lực lạm phát lên nền kinh tế trong năm nay phụ thuộc vào ba yếu tố.

Thứ nhất, đó là tổng cầu tăng đột biến, thể hiện ở doanh thu bán lẻ hai tháng đầu năm đã dương, thay vì mức âm như của năm 2021. Đặc biệt, 2 năm tới gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng sẽ thúc đẩy tổng cầu, trong khi nguyên nhân gây ra lạm phát chính là tổng cầu tăng.

Thứ hai là giá cả nguyên vật liệu tăng cao khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Thứ ba là đứt gãy chuỗi cung ứng, đây là nguyên nhân gây ra lạm phát rất cao trên thế giới. Việc thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp phải chi thêm tiền để tuyển dụng lao động, đào tạo cũng khiến chi phí tăng.

“Đó là các yếu tố tạo áp lực lạm phát cho năm 2022”, Tổng cục thống kê cho biết.

Các chuyên gia trong nước cũng cho rằng: Giai đoạn hiện nay khác các chu kỳ lạm phát trước. Tất cả chu kỳ lạm phát trước đây đều do tổng cầu tăng quá nhanh, cao hơn sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Còn lần này, lạm phát được gây ra do thiếu hụt nguồn cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất.

Các chuyên gia dự tính rằng, quý I/2022, lạm phát có thể tăng 2-2,2% so với quý I/2021. Dù gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ làm tăng tổng cầu, nhưng không quá lo gói này làm tổng cầu gia tăng quá mức.

Theo các chuyên gia kinh tế, để kiểm soát lạm phát, quan trọng là cần tăng cường phối hợp giữa các chính sách khác nhau như tài khóa, tiền tệ cùng chính sách hỗ trợ khác.

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân hai tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% và giá gas tăng 18,64%, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,68%.


 

 


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục