Khi đại dịch và hỗn loạn chính trị nhấn chìm nước Mỹ, Trung Quốc đang vươn mình

08/01/2021 12:37 GMT+7
2021 tiếp tục là một năm nhiều triển vọng sáng cho Trung Quốc.

Khi phần còn lại của thế giới vật lộn với đại dịch Covid-19 kéo dài suốt năm qua thì Trung Quốc đã sớm tuyên bố kiểm soát thành công dịch bệnh và đang thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.

Sự hỗn loạn chính trị đang diễn ra tại Mỹ trong quá trình chuyển giao quyền lực hậu bầu cử cũng là một tin tốt lành cho Trung Quốc. Việc Tổng thống Trump và một số nghị sĩ Cộng hòa không chấp nhận kết quả bầu cử, kéo theo cuộc chiến pháp lý dai dẳng và gần đây nhất là vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội hôm 6/1 đã làm trầm trọng thêm nguy cơ mất trật tự an ninh và chính sách tại Mỹ.

Khi vụ bạo loạn chưa từng có tiền lệ và những lời lẽ chỉ trích Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đang chiếm ưu thế trên mặt báo Mỹ, có ít chính trị gia dành sự chú ý cho những động thái ở bên ngoài biên giới quốc gia. 

Khi đại dịch và hỗn loạn chính trị nhấn chìm nước Mỹ, Trung Quốc đang vươn mình - Ảnh 1.

Khi đại dịch và hỗn loạn chính trị nhấn chìm nước Mỹ, Trung Quốc đang vươn mình

Trong khi đó, ở bên kia bán cầu, Trung Quốc gần đây đã đạt được thỏa thuận tự do đầu tư lớn với liên minh châu Âu, điều có thể đe dọa vị thế của Washington trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Động thái này không chỉ phản ánh tiềm năng kinh tế của Trung Quốc khi vừa chứng kiến tăng trưởng phục hồi vượt trội so với phần còn lại của thế giới mà còn thể hiện tham vọng thắt chặt quan hệ với EU khi Washington rơi vào hỗn loạn. 

Giới truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa tin về vụ bạo loạn chưa từng có tiền lệ ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo được quản lý bởi Nhật Báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc - giật tiêu đề: “Cư dân mạng Trung Quốc mỉa mai vụ bạo loạn ở điện Capitol Mỹ, nói rằng ảo tưởng “dân chủ và tự do” đã vỡ”. Các phương tiện truyền thông khác của Bắc Kinh thì chế nhạo những nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, so sánh vụ bạo loạn hiện tại ở Mỹ với vụ biểu tình ở Hồng Kông năm 2019.

Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ về đường lối cứng rắn với Trung Quốc. Trong khi vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ cố gắng tập hợp một liên minh chống Trung Quốc trên toàn cầu, rất ít quốc gia háo hức với những chính sách quyết liệt của ông Trump. Và Úc, một trong số ít quốc gia “theo bước” ông Trump hiện đang phải gồng mình hứng chịu những đòn trả đũa thương mại từ Bắc Kinh. 

Mặc dù những chiến lược như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh vấp phải sự chỉ trích của phương Tây vì nguy cơ gieo rắc bẫy nợ cho các nước nghèo, nhưng nó vẫn giúp Bắc Kinh nâng cao tầm ảnh hưởng của mình tại nhiều nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Ảnh hưởng này ngày càng mạnh mẽ khi Trung Quốc nổi lên như nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 còn Mỹ thì thất bại trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 và sự chia rẽ chính trị ở Washington.

Việc Trung Quốc hứa hẹn xuất khẩu hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển tiếp tục củng cố “quyền lực mềm” của quốc gia này trên trường quốc tế.

Nhưng Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Joe Biden sẽ tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới. Ông Biden được kỳ vọng sẽ đoàn kết nước Mỹ trở lại, khôi phục trật tự chính trị ở Washington. Về chính sách với Trung Quốc, ông Biden chia sẻ cách tiếp cận mềm dẻo hơn, cho phép Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc từ góc độ đa phương. Chưa rõ sự thay đổi chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ ông Biden sẽ gây biến động ra sao cho tham vọng bành trướng quyền lực mềm của chính quyền ông Tập Cận Bình.



NTTD
Cùng chuyên mục