Khoản tiền 3,2 triệu USD và lời thúc giục mua cổ phần AVG từ ông Phạm Nhật Vũ

03/09/2019 15:30 GMT+7
Theo tính toán, tổng số tiền được hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn khai là đã nhận từ ông Phạm Nhật Vũ để chỉ đạo sớm bán cổ phần AVG cho MobiFone lên tới 3,2 triệu USD. Cùng với đó, những sai phạm của nhiều lãnh đạo MobiFone đã làm xuất hiện nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng.

Khoản tiền 3,2 triệu USD và lời thúc giục mua cổ phần AVG từ ông Phạm Nhật Vũ  - Ảnh 1.

Thương vụ MobiFone-AVg gây ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại vốn Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng

Liên quan tới vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan, trong kết luận cách đây hơn 1 năm, Thanh tra Chính phủ đã nêu ra nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo.

Khoản tiền 3,2 triệu USD và lời thúc giục mua cổ phần AVG từ ông Phạm Nhật Vũ  - Ảnh 2.

Tổng cộng, hai cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son đã nhận 3,2 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ

Còn theo theo thông tin mới đây từ Cơ quan điều tra Bộ Công an, đơn vị này đã đề nghị truy tố 14 bị can.

Trong số đó, bị can Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã bị đề nghị truy tố về hai tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ".

Đối với hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD.

Còn cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, sau khi hoàn thành dự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa cho ông Son 3 triệu USD.

Vậy hai cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son có vai trò như thế nào trong quyết định phê duyệt Dự án đầu tư mua 95% cổ phần AVG của MobiFone?

Theo thông tin từ Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Bắc Son khai, trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc, mong muốn ông Son chỉ đạo để sớm bán được cổ phần.

Tương tự, ông Trương Minh Tuấn cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh.

Còn theo theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phê duyệt Dự án đầu tư theo thẩm quyền quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13, đã có những vi phạm sau.

Đầu tiên, tuy Dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, vi phạm quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13; chưa phê duyệt dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm A, vi phạm quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.

Thứ hai, 4 kênh tần số mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” liên kết với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm).

Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 4 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà tại Văn bản số 209/BTTTT-QLDN ngày 28/10/2015, Bộ TTTT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông”, mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng tại Điều 3 của Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt dự án đầu tư, Bộ TTTT đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện; vi phạm các quy định của Bộ TTTT tại: Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 về Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz; Quyết định số 80/QĐ-BTTTT ngày 22/01/2014 về Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz giai đoạn 2014 - 2017. Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).

Thứ ba, giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là 02 yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch  Đầu tư và Bộ Tài chính, mặc dù Bộ TTTT còn băn khoăn, đã nhiều lần đề nghị được trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng Bộ TTTT vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, trong đó có 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, mặc dù trước đó đã chỉ đạo MobiFone không mua 2 khoản đầu tư ngoài ngành.

Thứ tư, tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư (mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư); thực tế Mobifone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.

Như vậy, Bộ TTTT với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án; Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

Thứ năm, việc MobiFone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015 đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định tại Điều 5, Điều 14, Điều 17 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Thứ sáu, Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành (về chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của Dự án…) để xin ý kiến của Bộ Công an là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ TTTT không thể căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để cho rằng mình đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ bảy, khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ TTTT xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TTTT đã không thực hiện, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đúng quy định.

Đối với những vi phạm vừa nêu, Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ TTTT.

 

 
 
 
 
Báo Dân Việt
Cùng chuyên mục