Khu công nghiệp Bá Thiện II – Vĩnh Phúc đền bù sai đối tượng, người dân bị mất đất?

08/08/2019 10:49 GMT+7
Trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) để làm Khu công nghiệp Bá Thiện II, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc xác định sai đối tượng có diện tích đất để bồi thường khiến người dân có nguy cơ bị mất đất?.

Năm 2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương thu hồi diện tích để làm Khu công nghiệp Bá Thiện II, do Công ty TNHH VINA-CPK làm chủ đầu tư, dự án thuộc địa bàn xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhờ trông hộ rồi bị mất đất?

Dự án được nhiều người dân địa phương kỳ vọng sẽ giúp phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, sẽ giúp cho địa phương bớt đi những khó khăn, giảm bớt đói nghèo. Tuy nhiên, quá trình Hội đồng bồi thường GPMB huyện Bình Xuyên xác định đối tượng có đất bị thu hồi bồi thường GPMB lại gây ra nhiều cãi giữa các hộ gia đình.

Cụ thể, là trường hợp mảnh đất có diện tích 6.004,0 m2 thuộc diện đất đang tranh chấp giữa gia đình ông Nguyễn Văn Long (xã Thiện Kế, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) và ông Hùng (năm 1988, xã Thiện Kế) chưa được các cơ quan chức năng giải quyết chưa xác định chủ sở hữu nhưng Hội đồng bồi thường GPMB vẫn tiến hành đề bù khiên người dân bức xúc.

.

Khu CN Bá Thiện II.

Theo ông Nguyễn Văn Long, mảnh đất có diện tích 6.004,0 m2, trong đó đất làm nhà ở có 504 m2, (sau này theo quy định được 300 m2 đất ở), 204 m2 đất vườn và đất trồng cây có diện tích 5.500,3 m2 do gia đình ông vào rừng khai hoang. Năm 1995 gia đình ông vào miền Nam để làm ăn kinh tế, đã gửi toàn bộ số đất trên cho chú ruột là ông Nguyễn Văn Bình để nhờ trông hộ (việc gửi đất nhờ trông nom này ông chỉ nói miệng, không có giấy tờ).

Đến năm 2005 khi trở về gia đình ông Long bất ngờ khi đất của mình đã bị đổi chủ, người đứng tên là ông Hùng (con ruột ông Bình). Khi tìm hiểu, ông Long biết được năm 1999, ông Hùng đã tự ý kê khai và được UBND xã Thiện Kế, các cơ quan của UBND huyện Bình Xuyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sau đó, ông Long đã yêu cầu gia đình ông Hùng trả lại đất đã nhờ trông nom nhưng ông Hùng khẳng định đó là đất của nhà ông Hùng và không trả.

Sau đó, UBND xã Thiện Kế đã tổ chức hoà giải và xác định nguồn gốc đất trên là của gia đình ông Long. Đồng thời, đưa ra phương án hoà giải chia mỗi gia đình 50% số đất ở và đất vườn được ông Long đồng ý, còn đất trồng cây 5.500,3 m2 đề nghị UBND huyện Bình Xuyên giải quyết. Tuy nhiên, gia đình ông Hùng vẫn không đồng ý và khẳng định diện tích đất trồng cây 5.500,3 m2 là của gia đình mình.

Mặc dù, diện tích đất trồng cây 5.500,3 m2 đang tranh chấp, nhưng khi thu hồi bồi thường để làm Khu công nghiệp Bá Thiện II, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Bình Xuyên phối hợp UBND xã Thiện Kế thực hiện kê khai, nhưng lại không xác định nguồn gốc đất và văn bản giải quyết khiếu nại trước đó để xác định người được bồi thường giải phóng mặt bằng là gia đình ông Long mà lại tự ý xác định đối tượng được bồi thường đối với diện tích đất trên là gia đình ông Hùng. Số tiền đền bù đối với diện tích đất trên được xác định lên đến 1,4 tỷ đồng và gia đình ông Long có nguy cơ mất trắng.

Bồi thường sai đối tượng?

Theo ông Long, việc Hội đồng BT GPMB huyện Bình Xuyên không căn cứ vào sổ mục kê, các văn bản quản lý đất đai của xã Thiện Kế, các văn bản giải quyết tranh chấp trước đó và lấy ý kiến người dân tại Thôn Đồng Nhạn mà lại tự xác nhận đối tượng được bồi thường là gia đình ông Hùng không đúng sự thật, xâm phạm rất nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông. Đồng thời, đề nghị chính quyền kiểm tra lại, xác định lại đối tượng được hưởng quyền lợi khi thu hồi diện tích đất này, đồng thời có phương án đền bù theo đúng quy định pháp luật và chi trả đúng đối tượng - người tạo lập, khai hoang mảnh đất trên nêu trên.

Ông Long vẫn chưa hết bức xúc vì các giải quyết của UBND huyện Bình Xuyên.

Đáng chú ý, cuối năm 2018 và đầu năm 2019 với sự vào cuộc của Văn phòng chính phủ, Thanh tra Chính Phủ và UBDN tỉnh Vĩnh Phúc thì UBND huyện Bình Xuyên mới có chỉ đạo xác minh.

Ngày 22/11/2018, UBND xã Thiện Kế đã có báo cáo 79/BC-UBND gửi UBND huyện Bình Xuyên về việc giải quyết khiếu nại của gia đình ông Long và cụ thể xác định nguồn gốc sử dụng đất như sau: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long đã khai hoang và sử dụng đất và xây dựng nhà ở từ năm 1988 đến tháng 7 năm 1995; Từ tháng 8 năm 1995 đến năm 2004 ông Hùng sử dụng toàn bộ đất đai, nhà ở; Từ năm 2005 đến khi Giải phóng mặt bằng khu công nghiệp thì cả hai hộ cùng sử dụng đất theo biên bản hòa giải ngày 24/02/2005 đã được thống nhất là đúng.

Ngày 18/1/2019, UBND xã Thiện Kế tiếp tục có báo cáo số 02/BC-UBND với UBND huyện Bình Xuyên, vẫn khẳng định về nguồn gốc đất là của gia đình ông Long: Phần diện tích 5.500,3 m2 tại thửa đất số 5924  là diện tích đất thừa so với QSD đất đã cấp cho gia đình ông Hùng trước đó.

Tuy nhiên, UBND xã Thiện Kế lại xác nhận người quản lý, sử dụng từ năm 2005 đến này chỉ là gia đình ông Hùng, mà không trao đổi với gia đình ông Long bởi thực tế theo Biên bản hòa giải ngày 24/02/2005 đến khi giải phóng mặt bằng 2011, diện tích trên do cả hai hộ sử dụng chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vì vượt thẩm quyền giải quyết của UBND xã Thiện Kế.

Thông tin về vụ việc, ông Đào Trọng Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thiện Kế thừa nhận, phần diện tích hiện đang nằm trong phạm vi thửa đất số 5924 trước đây là do vợ chồng ông Long bỏ công sức khai hoang và sử dụng ổn định nhiều năm. Thời điểm vợ chồng ông Long khi đi làm ăn xa có chuyển nhượng hay nhờ trông giữ không thì đều không có giấy tờ chứng minh. Khi làm thủ tục cấp QSD đất thì vợ chồng ông Long không có mặt tại địa phương. Khi thực hiện thu hồi và bồi thường thì chỉ xác định dựa trên những đối tượng có GCNQSDĐ để giải quyết. Về phần đất không có GCNQSDĐ mà chính quyền đã xác định nhầm đối tượng bồi thường giải phóng mặt bằng mà ông Long đang khiếu nại thì ông Tuấn lại không trả lời được lý do tại sao?

Trao đổi với PV, luật sư Hồ Diên Trung - Công ty luật TNHH Khoa Tín cho rằng, trong trường hợp thu hồi và bồi thường tại huyện Bình Xuyên nêu trên, cần xác định rõ vai trò, quyền lợi của từng đối tượng. Gia đình ông Long là người có công khai hoang, và từng đề xuất được làm GCNQSDĐ, không chuyển nhượng, tặng cho mà chỉ nhờ người trông nom nên có thể coi là người toàn bộ quyền sử dụng đối với phần đất đã bỏ công sức khai hoang, tôn tạo nhiều năm.

Còn về phía ông Hùng đã nêu rõ là đối tượng trồng cây, hoa màu trong thời gian vợ chồng ông Long đi làm ăn xa chỉ là người có tài sản trên đất. Vậy theo quy định của pháp luật thì khi bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án phải xác định nguồn gốc đất để thực hiện bồi thường đúng đối tượng có quyền sử dụng đất phải là người được hưởng quyền lợi giải phóng mặt bằng chính khi thu hồi, còn người có tài sản trên đất sẽ được hỗ trợ vì công sức gieo trồng chăm sóc theo mức giá thu mua sản phẩm ngoài thị trường (hoặc tuỳ thoả thuận). Như vậy, trong trường hợp trên khi UBND huyện Bình Xuyên xác định đối tượng giải quyết bồi thường về thửa đất 5924 cho hộ ông Hùng mà không phải hộ nhà ông Long là không phù hợp với quy định của pháp luật. 

Minh Hiếu
Cùng chuyên mục