Khuyến cáo sàn giao dịch không tiếp tay cho dự án 'ma'
Cụ thể, đối với doanh nghiệp kinh doanh và dịch vụ bất động sản, cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.
Đối với các sàn giao dịch bất động sản, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khuyên nên thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh; Cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; duy trì các hoạt động marketing để giữ vững khách hàng tại thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng phát triển.
Mặt khác, đối với các cá nhân môi giới bất động sản, vị này khuyên cần tranh thủ trong khoảng thời gian nghỉ do dịch bệnh để hoàn thiện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng nghề nghiệp, nâng cao giá trị bản thân.
Đặc biệt, các chủ doanh nghiệp cần có giải pháp để chăm lo và hỗ trợ đội ngũ nhân viên của công ty, không nên bỏ mặc nhân sự trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội.
Hội này cũng nhấn mạnh, để sớm ổn định và đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững, các sàn giao dịch cần kiên quyết không vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho các dự án ma, dự án không phù hợp quy định pháp luật.
Trước đó, thị trường bất động sản tái hiện một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi.
Cụ thể, đã có rất nhiều nhà đầu tư ùn ùn kéo nhau về khu vực thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội (gần Khu công nghệ cao Hòa Lạc) tìm kiếm cơ hội khi nghe thông tin ở đây sắp triển khai dự án của một tập đoàn bất động sản lớn những ngày gần đây. Đây là cơn "sốt" đất gây bất ngờ nhất trong mùa dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khi thị trường bất động sản đang một màu ảm đạm tại tất cả các phân khúc, bao gồm cả đất nền.
Tương tự, hồi cuối tháng 2/2020, trên mạng xã hội lan truyền cảnh người, xe tấp nập đến dọc QL56 ở xã xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để mua bán đất. Cùng với đó là văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho một tập đoàn lớn khảo sát, nghiên cứu lập dự án tại xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức).
Ngay sau đó, xuất hiện hiện tượng đi xe mang thương hiệu của chủ đầu tư, đưa thông tin gán ghép, tự trưng biển quảng cáo dự án chưa có… Đó là chiêu thức của một nhóm người để tạo cơn sốt đất.