Kịch bản tiêu cực: GDP chỉ có thể tăng từ 5,1-5,3%, động lực tăng trưởng bổ sung đến từ đâu?

19/07/2021 09:10 GMT+7
Với kịch bản tiêu cực, tới cuối năm 2021 dịch Covid-19 mới cơ bản được kiểm soát ở khối các nước phát triển. Tại Việt Nam, quá trình tiêm vaccine chỉ đạt mức miễn dịch cộng đồng vào quý 3/2022, dẫn tới việc chậm khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội,…Khi đó, tăng trưởng GDP chỉ có thể từ 5,1-5,3%.

Đó là dự báo được đề cập tại Báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 lần thức 4 của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa thực hiện.

Kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021, xấu nhất từ 5,1-5,3%

Theo đó, căn cứ vào những đánh giá tác động của đợt dịch này cũng như cơ hội, thách thức từ nay đến hết năm 2021, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng kinh tế và một số lĩnh vực năm 2021 theo 3 kịch bản.

Kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP từ 5,1-5,3%, chuyên gia khuyến nghị “tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung” - Ảnh 1.

Kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP từ 5,1-5,3%

Với kịch bản cơ sở: các nước trên thế giới cơ bản triển khai thành công việc tiêm vaccine vào quý 4/2021, giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục đa số hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước; căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị lắng dịu hơn tạo tiền đề khôi phục thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong tháng 8/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, nền kinh tế tăng trưởng theo xu hướng xanh, bền vững hơn trên nền tảng kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quá trình cơ cấu lại được thúc đẩy, thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước) hồi phục tạo điều kiện phục hồi, tăng trưởng kinh tế tích cực.

Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 5,8-6%.

Đáng chú ý, mức dự báo GDP năm 2021 tăng trưởng 5,8-6% (theo kịch bản cơ sở) là thấp hơn khá nhiều so với dự báo đầu năm (6,5-7%) hay đầu tháng 6/2021 (6,1-6,3%) của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thấp hơn mức dự báo (tháng 5/2021) của Citi Research (6,3%) và đầu tháng 7 của HSBC (6,1%).

Với kịch bản tích cực, các nước trên thế giới cơ bản triển khai thành công việc tiêm vaccine vào quý 4/2021 giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục đa số hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước; căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị lắng dịu hơn tạo tiền đề khôi phục thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ngay trong tháng 7/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được đẩy nhanh; quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi số được thúc đẩy; thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tiêu dùng nội địa hồi phục nhanh...

Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,3-6,5%.

Kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP từ 5,1-5,3%, chuyên gia khuyến nghị “tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung” - Ảnh 3.

Dịch vụ là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất, khi tăng trưởng của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 3,96%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong 10 năm qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân 6,42% giai đoạn 2011-2019.

Với kịch bản tiêu cực, tới cuối năm 2021 dịch bệnh mới cơ bản được kiểm soát ở khối các nước phát triển, vaccine chậm đưa vào tiêm chủng tại các quốc gia đang phát triển do hạn hẹp về nguồn cung, quá trình phục hồi khó khăn, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ.

Tại Việt Nam, đợt dịch này cơ bản được kiểm soát đến hết quý 3/2021, quá trình tiêm vaccine chậm triển khai và chỉ đạt mức miễn dịch cộng đồng vào quý 3/2022, dẫn tới việc chậm khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm.

Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 5,1-5,3%.

Tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung

Mặc dù nền kinh tế vẫn duy trì đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm, song trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và doanh nghiệp cũng như đà phục hồi kinh tế của cả nước, để vượt qua thách thức và chủ động chuẩn bị tiền đề cho giai đoạn tới, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có bốn khuyến nghị như sau.

Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả cùng với việc đẩy nhanh tiến trình vaccine; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quyết định ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Hai là, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã ban hành cùng với việc đánh giá, nghiên cứu có thể cần đưa ra các phương án, gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo.

Kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP từ 5,1-5,3%, chuyên gia khuyến nghị “tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung” - Ảnh 4.

Tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và chính sách phục hồi xanh. (Ảnh: LT)

Ba là, cập nhật kịch bản phục hồi, phát triển KT-XH trong bối cảnh mới đến hết năm 2021 và giai đoạn 2022-2025.

Trong đó, cần kiên định mục tiêu kép, tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và chính sách phục hồi xanh như: đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) trong bối cảnh xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn diễn ra;

Ngoài ra, thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân (cả doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể); phù hợp với định hướng tập trung khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa và hỗ trợ DNNVV; đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa; kiên quyết rà soát, quản lý, khai thác hiệu quả hơn tài sản công (nhất là đất đai, trụ sở, tài sản công khác);

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp; và cập nhật, điều chỉnh Chiến lược phát triển kinh tế xanh giai đoạn 2021-2030 phù hợp bối cảnh hậu dịch Covid-19.

Tuy nhiên, muốn làm được những việc này, các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cần nhất quán ưu tiên triển khai.

Cuối cùng, kiện định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; theo đó, không chủ quan với lạm phát (nhưng không thái quá); tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả; kiểm soát rủi ro bong bóng tài sản, tài chính; và duy trì tài khóa ổn định (lưu ý kiểm soát rủi ro nghĩa vụ trả nợ đang gia tăng; đa dạng hóa, nuôi dưỡng nguồn thu, giảm dựa vào nguồn thu từ đất đai, chứng khoán; chính sách thuế cần thực sự trở thành công cụ điều tiết hành vi cá nhân, thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần quan trọng ổn định tài khóa quốc gia…).

N.Minh
Cùng chuyên mục