Kinh tế Ấn Độ bắt đầu "tê liệt" sau lệnh phong tỏa quốc gia 1,3 tỷ dân do Covid-19

26/03/2020 10:43 GMT+7
Phần lớn nền kinh tế Ấn Độ đã bắt đầu tê liệt sau lệnh phong tỏa đất nước kéo dài 3 tuần bắt đầu hôm 25/3 khi số ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tăng nhanh.
Kinh tế Ấn Độ bắt đầu "tê liệt" sau lệnh phong tỏa quốc gia 1,3 tỷ dân - Ảnh 1.

Người dân Ấn Độ đổ xô đi mua thực phẩm trước khi lệnh phong tỏa quốc gia được thực thi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi đầu tuần tuyên bố phong tỏa quốc gia 1,3 tỷ dân trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ 25/3 trong nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu. Chính phủ cũng ban hành lệnh đóng cửa bắt buộc mọi doanh nghiệp, thậm chí văn phòng chính phủ không thiết yếu, các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Chỉ các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sản phẩm y tế, công ty viễn thông năng lượng, ngân hàng, các hãng truyền thông và cơ quan thực thi pháp luật được phép duy trì hoạt động.

Trước đó, khi lệnh phong tỏa quốc gia chưa được ban hành, các thành phố như New Delhi và Mumbai đã áp dụng lệnh phong tỏa kèm theo yêu cầu toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh ngừng lại trừ một số ngành được chỉ định miễn trừ. Lệnh phong tỏa được thực thi do số ca nhiễm virus corona tại các địa phương này có xu hướng tăng mạnh.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tối 24/3 sau thông báo phong tỏa quốc gia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo: “Đất nước chắc chắn sẽ phải trả giá bằng những hệ quả kinh tế sau đợt phong tỏa này”.

Các nhà kinh tế cũng đưa ra những dự báo tương tự, rằng nền kinh tế vốn đã ảm đạm của Ấn Độ sẽ phải chịu thêm đòn giáng nặng nề sau lệnh phong tỏa kiểm dịch Covid-19. Trước đó, hồi quý IV/2019, tăng trưởng GDP Ấn Độ chỉ đạt 4,7%, thấp hơn mức bình quân 6 năm qua. 

Kinh tế Ấn Độ bắt đầu "tê liệt" sau lệnh phong tỏa quốc gia 1,3 tỷ dân - Ảnh 2.

Công nhân thu dọn đồ đạc trở về nhà khi các nhà máy ngừng hoạt động do dịch Covid-19

Maruti Suzuki, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Ấn Độ, công ty con của Suzuki Nhật Bản đã buộc phải tạm dừng hoạt động hai nhà máy ở bang Haryana phía Bắc đất nước kể từ Chủ Nhật. “Thời gian ngừng hoạt động sẽ phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ” - phát ngôn viên Maruti Suzuki tuyên bố.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác là Toyota và Honda tại địa phương cũng đã tạm dừng hoạt động nhà máy từ đầu tuần. Còn nhà máy Hyundai của Hàn Quốc đặt tại Ấn Độ và nhà sản xuất nội địa Tata Motors thì bắt đầu đóng cửa từ 25/3.

Những nhà máy sản xuất quan trọng của Samsung và Panasonic đặt tại Ấn Độ cũng cùng chung tình trạng đóng cửa sau thông cáo từ Thủ tướng Modi. Nhà máy Foxconn - đối tác lắp ráp iPhone hàng đầu thế giới - cũng tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động sản xuất tại Ấn Độ, tờ Bloomberg đưa tin hôm 25/3.

“Những đơn vị, cơ sở vi phạm lệnh phong tỏa sẽ bị phạt, vì vậy không có lý do gì các doanh nghiệp không tuân theo lệnh phong tỏa” - đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản đặt nhà máy tại Ấn Độ cho hay.

Tính đến 25/3, Ấn Độ báo cáo 560 ca nhiễm Covid-19, theo thống kê từ Bộ Y tế nước này. Dù số ca nhiễm này được xem là rất ít khi so sánh với các ổ dịch Covid-19 tại Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và những nơi dịch bệnh đang bùng phát hiện tại, nhưng nỗi lo lắng đã tăng lên khi số ca dịch tại Ấn Độ tăng mạnh 3 lần trong 5 ngày qua, khiến Chính phủ buộc phải hành động. 

Quan trọng hơn, hệ thống chăm sóc sức khỏe tương đối kém phát triển, năng lực xét nghiệm thấp và dân số đông đảo 1,3 tỷ người  có thể đặt Ấn Độ vào tình thế nguy hiểm nếu dịch bệnh không được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu. 

Việc phong tỏa quốc gia đã thúc đẩy người dân đổ xô đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm và vật dụng sinh hoạt cơ bản ngay trước khi sắc lệnh chính thức có hiệu lực hôm 25/3. Một số công ty Nhật Bản đã chỉ đạo nhân viên ở Ấn Độ trở về nước khi tình hình phong tỏa Ấn Độ trở nên nghiêm ngặt hơn, giao thông bắt đầu có dấu hiệu bị hạn chế.

Hồi đầu tuần, Tiến sĩ Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách Mỹ cảnh báo 60% trong số 1.35 tỷ dân Ấn Độ, tương đương khoảng 800 triệu người có nguy cơ nhiễm virus corona. Cảnh báo dựa trên mô hình tỷ lệ lây nhiễm ở Italy và Mỹ, những quốc gia dịch virus đang bùng phát mạnh mẽ khiến hàng chục nghìn người nhiễm bệnh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục