800 triệu người Ấn Độ có nguy cơ nhiễm virus corona
Tiến sĩ Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách Mỹ mới đây cảnh báo 60% trong số 1.35 tỷ dân Ấn Độ có nguy cơ nhiễm virus corona, trong đó phần lớn là các ca bệnh nhẹ.
Cảnh báo được đưa ra dựa trên mô hình mức độ lây lan virus ở Ấn Độ mà Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách xây dựng theo khả năng truyền nhiễm ở các quốc gia Italy và Iran - hai trong số những đất nước mà dịch virus corona bùng phát mạnh mẽ nhất. Ở một kịch bản tươi sáng hơn, nếu khả năng truyền nhiễm virus corona tại Ấn Độ tương đương với các quốc gia khác, 20% dân số Ấn Độ có khả năng nhiễm bệnh.
Ngay cả khi tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ không tệ như cảnh báo của Tiến sĩ Ramanan Laxminarayan, ước tính có khoảng 300 triệu người Ấn Độ đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh với khoảng 6-8 triệu ca bệnh nặng. Nguyên nhân là do dân số đông đúc tại các đô thị Ấn Độ và mật độ giao thông công cộng tương đối lớn, người dân tiếp xúc gần gũi và không thể đảm bảo khoảng cách cách ly cần thiết khi dịch bệnh xuất hiện.
Tính đến hôm 22/3, khi chính quyền bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm, Ấn Độ mới chỉ xác nhận 359 ca nhiễm virus corona và 7 ca tử vong. Nhưng số ca nhiễm virus corona đã tăng vọt lên 415 trường hợp vào sáng 23/3, thậm chí có khả năng tăng cao hơn nhiều nếu các xét nghiệm được tiến hành rộng rãi. Sau lệnh giới nghiêm kéo dài 1 ngày, chính quyền Ấn Độ yêu cầu đóng cửa 80 quận nơi xác nhận các ca nhiễm virus corona, trong đó bao gồm nhiều đô thị lớn như Delhi, Mumbai, Bangalore, Hyderabad và Chennai.
Nền kinh tế Ấn Độ cũng đang đứng trước rủi ro đình trệ khi chính quyền tuyên bố đóng cửa hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ các dịch vụ thiết yếu như siêu thị cung cấp nhu yếu phẩm, quầy thuốc… được phép hoạt động. Ấn Độ cũng đồng thời hạn chế hoạt động vận tải nội địa và quốc tế. Mạng lưới đường sắt - một trong những phương tiện di chuyển chủ yếu giữa các vùng tại Ấn Độ, với lưu lượng hành khách lên tới 9 tỷ lượt/ năm, đã ngừng hoạt động hoàn toàn cho đến cuối tháng 3.
Tiến sĩ Ramanan Laxminarayan, nhà dịch tễ học kiêm nhà kinh tế học - người từng giữ vai trò cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Ngân hàng Thế giới World Bank nhận định dịch virus corona có thể đã xuất hiện tại Ấn Độ ít nhất 3 tuần và vô tình lây nhiễm cho hàng ngàn người.
“22.500 người tử vong ở Ấn Độ mỗi ngày và không phải tất cả những cái chết đều được kiểm nghiệm hay báo cáo một cách đầy đủ. Không loại trừ khả năng chúng ta có thêm 1.000 người chết ở Ấn Độ mỗi ngày vì Covid-19. Hệ thống y tế Ấn Độ hiện không đủ năng lực để kiểm tra điều đó” - ông Ramanan Laxminarayan cho hay.
Các tiêu chí xét nghiệm bệnh dịch ở Ấn Độ vẫn còn hạn chế. Nhưng kể từ hôm 21/3, giới chức y tế đang dần mở rộng xét nghiệm virus trên những đối tượng bị rối loạn hô hấp, ngoài những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở như tiêu chí trước đó.
Chính phủ Ấn Độ hiện đang nỗ lực tăng cường các cơ sở y tế cũng như vật tư, trang thiết bị để đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, nhưng đừng kỳ vọng họ làm được quá nhiều trong thời gian gấp rút như vậy, theo ông Laxminarayan. “Đây được gọi là “thiên nga đen” (một hiện tượng hiếm xảy ra, không thể lường trước và để lại hậu quả kinh tế cực kỳ nghiêm trọng) vì bạn chẳng thể chuẩn bị điều gì. Nó hoàn toàn xảy đến bất ngờ”.
“Ví dụ, toàn bộ công suất giường hồi sức cấp cứu, điều trị tích cực trên toàn Ấn Độ là 70.000-100.000 giường, nhưng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát đỉnh điểm, số ca nhiễm virus corona nặng tại Ấn Độ có thể tăng lên hàng triệu người trong thời gian ngắn” - ông Laxminarayan cảnh báo. “Tôi nghĩ rằng điều duy nhất chúng ta có thể làm là chuẩn bị hàng trăm ngàn giường bệnh trên quy mô lớn, hoặc các biện pháp phong tỏa cấp quốc gia để kiểm soát dịch bệnh”.
“Dịch virus corona là bài test quy mô lớn trên toàn thế giới về năng lực hệ thống y tế của chúng ta, hệ thống quản lý nhà nước (rằng liệu người dân có tuân theo những gì chính phủ yêu cầu) và kết cấu xã hội của chúng ta (rằng liệu mọi người có giúp đỡ nhau khi hiểm họa xảy ra)”.