Kinh tế trưởng VinaCapital: Nhiều tin vui cho thị trường khi Mỹ chấm dứt mối đe dọa thuế quan với Việt Nam

12/08/2021 20:42 GMT+7
Chuyên gia Kinh tế trưởng Michael Kokalari từ VinaCapital nhận định quyết định của chính phủ Mỹ về việc không áp đặt các mức thuế cứng nhắc liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ là một chiến thắng lớn cho Việt Nam, giúp loại bỏ rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong nước.

Không có thuế quan trừng phạt

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, qua đó chấm dứt mối đe dọa áp thuế cứng nhắc với hàng xuất khẩu của Việt Nam liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ.

Liên quan đến động thái này, hồi tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã có báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus 1988. Quyết định này dựa trên 3 tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Mỹ từ 20 tỷ USD trở lên, thặng dư cán cân vãng lai ít nhất 2% GDP và can thiệp một chiều kéo dài trên thị trường ngoại tệ. Theo đó, phía Mỹ cáo buộc Việt Nam can thiệp làm giảm giá đồng nội tệ xuống ~10% dưới giá trị hợp lý một cách có chủ đích.

Việc bị dán nhãn "thao túng tiền tệ" kéo theo nguy cơ Mỹ áp thuế hàng xuất khẩu Việt Nam tương tự như trường hợp Trung Quốc bị áp thuế trừng phạt lên tới 25% với hàng trăm tỷ USD hàng hóa, qua đó gây áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán trong nhiều tháng.

Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital: nhiều tin vui cho thị trường khi Mỹ chấm dứt mối đe dọa thuế quan với Việt Nam - Ảnh 1.

Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari từ VinaCapital nhận định thỏa thuận chung mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ và NHNN Việt Nam đã giải tỏa nỗi lo với nhà đầu tư và sẽ thúc đẩy đồng nội tệ tăng giá bền vững (Ảnh: Internet)

Mặc dù phía VinaCapital hồi tháng 10/2020 đã công bố báo cáo với chủ đề “Không có rủi ro Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế hà khắc”, nhưng chuyên gia Kinh tế trưởng Michael Kokalari nhận định cho đến tháng trước, nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng rủi ro thuế quan từ Mỹ là nguy cơ lớn do thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng vọt lên 38 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021.

Do đó, theo ông Michael Kokalari, thỏa thuận chung mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ và NHNN đã giải tỏa nỗi lo với nhà đầu tư và sẽ thúc đẩy đồng nội tệ tăng giá bền vững. 

Đồng nội tệ chịu áp lực tăng giá

Bên cạnh quyết định không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam, thỏa thuận chung mang tính ngoại giao giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam còn bao gồm một nội dung chính không kém phần quan trọng: NHNN sẽ cho phép giá trị của đồng Việt Nam tăng giá. 

Liên quan đến việc tăng giá đồng Việt Nam, thỏa thuận chung nêu rõ: “NHNN sẽ tiếp tục cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian, cho phép đồng Việt Nam điều chỉnh phù hợp với giai đoạn phát triển của thị trường tài chính, ngoại hối và các nền tảng kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính”.

Theo nhà Kinh tế trưởng Michael Kokalari, nội dung tuyên bố chung này ngụ ý rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang chịu áp lực đáng kể để cho phép đồng Việt Nam tăng giá. Phía Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai cũng khẳng định Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ phối hợp với Bộ Tài chính Mỹ “giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết… liên quan đến việc định giá đồng tiền của mình”.

Do đó, chuyên gia kinh tế của VinaCapital nhận định đồng Việt Nam gần như chắc chắn sẽ tăng đều khoảng 2-3%/ năm trong bối cảnh dòng vốn khổng lồ tiếp tục chảy vào trong nước và NHNN không còn tiếp tục “các biện pháp can thiệp không trung hoà” làm giảm giá trị đồng nội tệ.

Theo ước tính của VinaCapital, riêng trong năm 2020, dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam ước tính tương đương 10% GDP quốc gia, trong đó bao gồm dòng vốn FDI tương đương khoảng 7% GDP quốc gia. “Dòng vốn đổ vào Việt Nam, cùng với thặng dư tài khoản vãng lai 4,5%/GDP, đã đưa thặng dư cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam lên 7%/GDP trong năm 2020 và chúng tôi kỳ vọng thặng dư BoP là 5% trong năm 2021” - chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital dự báo. Các yếu tố này dự kiến sẽ củng cố giá trị đồng Việt Nam trong năm nay bất chấp diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 trong nước gần đây.

Nhiều tin vui cho Việt Nam

Nhà kinh tế trưởng Michael Kokalari cũng chỉ ra rằng việc chính phủ Mỹ chấm dứt mối đe dọa thuế quan với Việt Nam bất chấp thặng dư thương mại tăng cao phản ánh kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc duy trì quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước.

Trong báo cáo phân tích vừa được công bố, ông Michael Kokalari cho hay bên cạnh lợi ích khuyến khích dòng vốn FDI chảy vào trong nước khi nguy cơ áp thuế bị loại bỏ; thỏa thuận chung giữa Bộ Thương mại Mỹ và NHNN cũng sẽ kích thích dòng vốn FII từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài ưa thích các thị trường ổn định hoặc có đồng nội tệ tăng giá. Đồng thời, nó khuyến khích các công ty trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh cũng như nâng cao mức sống của người tiêu dùng trong nước bằng cách thúc đẩy nền kinh tế nội địa tăng trưởng. 

Ngoài ra, có một khía cạnh quan trọng khác: đồng tiền Việt Nam tăng giá sẽ giúp đất nước thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” bằng cách khuyến khích đổi mới vì các công ty trong nước sẽ không thể dựa vào mức tỷ giá hối đoái rẻ để cạnh tranh. 

Nhìn chung, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Kokalari nhận định nhà đầu tư cũng như nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ hưởng lợi từ cả hai nội dung chính trong thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam về việc loại bỏ rủi ro thuế quan và cam kết cho phép đồng nội tệ tăng giá.


NTTD
Cùng chuyên mục