Kinh tế Việt Nam 2021: Ngành nào sẽ là mũi nhọn?

16/02/2021 14:53 GMT+7
Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, năm 2021, Việt Nam cần ưu tiên phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn.

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Nhà nước cần thực hiện vai trò định hướng, tạo ra chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, đặt mục tiêu GDP Việt Nam 2021 sẽ tăng trưởng dương, kỳ vọng đạt 6-6,5%.

Năm 2020 khép lại với những thuận lợi và khó khăn, mở ra cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, việc phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn là bài toán chiến lược, không thể thiếu, giúp kinh tế Việt Nam sống khỏe trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường.

VTC News có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

- COVID-19 khiến kinh tế Việt Nam gặp khó trong năm 2020. Ông có dự cảm lạc quan trong năm tới?

COVID-19 tác động tiêu cực đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Lần đầu tiên, thế giới đối diện với những khó khăn lớn đến vậy. Du lịch, hàng không tê liệt. Các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, năm 2020, kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn đạt được những bước đi tương đối căn cơ. Đây sẽ là nền tảng để chúng ta đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Kinh tế Việt Nam 2021: Ngành nào sẽ là mũi nhọn? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

- Các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam sẽ phát triển thế nào, thưa ông?

Bất kỳ một ngành nghề kinh tế mũi nhọn nào cũng phải đáp ứng 5 tiêu chí:

Một là, ngành nghề này có quan trọng không, chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong tổng GDP, các tác động ảnh hưởng thế nào?

Hai là, thị trường thế giới còn phát triển ngành nghề đó? Và chúng ta còn có cơ hội xuất khẩu?

Ba là, ngành đó có đạt được các lợi nhuận, hấp dẫn giới đầu tư?

Bốn là, ngành đó có phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Có tự động hóa, có tạo ra được robot thay lao động con người, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự cạnh tranh?

Cuối cùng, ngành nghề đó tác động đến môi trường như thế nào? Chúng ta có phải đánh đổi môi trường để lấy kinh tế hay không?

Như Thủ tướng đã nói, vấn đề gì cần mang tính định hướng, Nhà nước sẽ làm. Còn vấn đề gì thuộc về thị trường, hãy để thị trường quyết định.

Tại Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng nhấn mạnh, trong 10 năm tới, có 21 ngành hàng được ưu tiên phát triển. Trong đó, có sản xuất công nghiệp về điện hay ô tô công nghệ cao.

Về công nghiệp điện, Nhà nước tạo ra nhiều cơ chế để ưu tiên doanh nghiệp, tạo sức hút để thúc đẩy phát triển. Hiện nay, chúng ta có thủy điện nhỏ, có nhà máy nhiệt điện khí, cũng phát triển cả năng lượng tái tạo.

- Khi các ngành công nghiệp, kỹ thuật ngày càng thể hiện ưu thế vượt trội ở thời kỳ 4.0 thì nông nghiệp có còn giữ được vị trí chiến lược trong nền kinh tế không, thưa ông?

Thực tế ngành nông nghiệp vẫn nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ trong nhiều năm qua. Năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD và chúng ta đã đạt được. Đây là thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không thể dồn hết lực với lĩnh vực này mà “nới lỏng” với lĩnh vực khác được. Nếu so sánh con số 43 tỷ USD này thì các lĩnh vực khác như công nghiệp hay xây dựng cũng không hề kém cạnh gì.

- Có nghĩa ta vẫn coi đây là kinh tế mũi nhọn và nên ưu tiên phát triển?

Hiện nay, Chính phủ vẫn đang tiếp tục có các chính sách ưu tiên đối với ngành nông nghiệp. Đó là các chương trình hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long, các chương trình về nuôi giống theo khoa học công nghệ. Chính phủ và các ngân hàng thương mại cũng đã ban hành chương trình chi 100 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Kinh tế Việt Nam 2021: Ngành nào sẽ là mũi nhọn? - Ảnh 2.

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đặt vấn đề về việc giải cứu nông sản.

Chúng ta cũng đang gây giống sau dịch tả lợn châu Phi, dồn dập hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất giống để thụ tinh và tái đàn. Hiện nay, giá lợn từ chỗ hơn 100.000 đồng/kg đã xuống mức 70-80.000 đồng/kg. Mức giá này tương đối hài hòa so với giá thịt gà, bò.

Ngoài ra, trong trồng trọt, chúng ta lấy vốn ngân sách làm các hồ chứa nước để ngăn mặn, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trồng lúa.

Nếu không ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp thì làm sao chúng ta có 43 tỷ USD xuất khẩu như năm nay được.

Thế nhưng, hiện nay chúng ta chưa tuân thủ quy luật cung - cầu, nên mới có chuyện suốt ngày đi giải cứu nông sản. Trồng rất nhiều nhưng luôn bế tắc với đầu ra, các kênh phân phối.

Thực trạng cung vượt cầu dẫn đến những trường hợp người nông dân tham gia chuỗi sản xuất kinh doanh và bị phá sản.

Vấn đề này cũng cảnh báo việc chúng ta lệ thuộc vào một thị trường nhất định mà không có sự linh hoạt, chuyển biến, tìm kiếm các thị trường thay thế.

Năm 2021 và những năm tiếp theo, Nhà nước cần thực hiện vai trò định hướng, tạo ra chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Khi người nông dân tham gia vào đó thì Nhà nước cần có các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm thiên tai, lương hưu.

- Nhiều tổ chức tài chính thế giới đều đánh giá cao kinh tế Việt Nam trong năm tới. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Đánh giá của bất cứ của một tổ chức tài chính, kinh tế nào cũng đáng ghi nhận, trân trọng. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta cần có những so sánh và căn cứ vào thực tế của nền kinh tế đất nước, hiểu được bản chất của các con số đánh giá đó là như thế nào. Ví dụ như mới đây, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam sẽ đạt quy mô hơn 340,6 tỷ USD trong năm 2020, vượt Singapore gần 1% (khoảng 337 tỷ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở khu vực Đông Nam Á.

Dĩ nhiên, đánh giá đó được căn cứ trên những thành tựu phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Đó cũng là kết quả ghi nhận những nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ trong nhiều năm qua. Nhưng chúng ta phải hiểu, dân số của Việt Nam lớn hơn Singapore rất nhiều. Cho nên, nếu tính thu nhập bình quân đầu người, chúng ta vẫn thấp hơn họ rất nhiều.

Giống như việc chúng ta đang tranh luận về mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2021. Thực tế, con số này hoàn toàn có cơ sở, thậm chí khả thi trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu tăng trưởng nhiệm kỳ của chúng ta là 7%. Chúng ta đã có một năm đạt 6%. Vậy năm tới, có khi chúng ta phải đạt mục tiêu là 8%. Nhưng với những diễn biến khó lường do COVID-19 hiện nay, để đạt được mục tiêu này là không dễ.

Cho nên, điều tôi muốn nói là mọi con số đều chỉ mang tính giả định. Dĩ nhiên, chúng đều được đưa ra dựa trên các khảo sát, nghiên cứu, đánh giá nhưng không có nghĩa là bất di bất dịch.

- Vậy theo ông, điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2021 là gì?

Năm 2020, chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được đời sống người dân, giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh đến đời sống, có những giải pháp để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19. Đó là những điểm sáng để Chính phủ đặt ra mục tiêu GDP Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng dương và kỳ vọng đạt 6-6,5%.

- Xin cảm ơn ông!

Đào Bích
Cùng chuyên mục