Lãi 6 tháng giảm sâu, Vinaconex (VCG) vẫn mua lại trái phiếu trước hạn lần thứ 4 trong tháng 8
Ngày 4/8, Vinaconex đã thực hiện mua lại toàn bộ mã trái phiếu VCGH2126006 và một phần mã trái phiếu VCGH2126007.
Cụ thể, mã trái phiếu được Vinaconex mua lại toàn bộ là VCGH2126006 có mệnh giá 100 triệu đồng, được phát hành ngày 15/6/2021 và ngày đáo hạn là 15/6/2023. Kỳ hạn của mã trái phiều này là 60 tháng. Khối lượng phát hành theo mệnh giá là 220 tỷ đồng, khối lượng đang lưu hành theo mệnh giá là 120 tỷ đồng.
Cùng ngày, Vinaconex đã mua lại 80 tỷ đồng trong số 220 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2126007. Mã trái phiếu này được phát hành ngày 15/6/2021 với kỳ hạn 66 tháng, đáo hạn tại ngày 15/12/2026. Sau khi mua lại một phần, mã này hiện còn 140 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành.
Đây là lần thứ 4 trong tháng 8 Vinaconex tiến hành mua lại các mã trái phiếu trước hạn. Trước đó, tại ngày 1/8, Vinaconex đã mua lại toàn bộ mã trái phiếu VCGH2125005 và 100 tỷ đồng trong số 220 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2126006.
Hai mã trái phiếu trên được phát hành ngày 15/6/2021 và có kỳ hạn lần lượt là 54 tháng và 60 tháng, đáo hạn lần lượt các ngày 15/12/2025 và 15/6/2026.
Dù doanh thu gấp đôi nhưng lãi 6 tháng vẫn đi lùi 70% so với cùng kỳ
Trong quý II/2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.566,8 tỷ đồng, tăng 110,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán và dịch vụ kỳ này ghi nhận 4.136,8 tỷ đồng, tăng 122,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm 27,7% còn 119,2 tỷ đồng. Chi phí tài chính kỳ này tăng cao 24,4% lên hơn 245,1 tỷ đồng.
Các chi phí khác cũng tăng mạnh: chi phí bán hàng tăng 24,7% lên 23,9 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24,8% lên 104,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vinaconex ghi nhận khoản lỗ 12,2 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết trong khi cùng kỳ vẫn ghi nhận khoản đóng góp lợi nhuận nhẹ 1,6 tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2023, Vinaconex báo lãi trước thuế 191 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 130,3 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận 163,5 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ.
Giải trình về kết quả kinh doanh lao dốc, Vinaconex cho biết, nguyên nhân chính là do giá vốn của hoạt động kinh doanh cùng với chi phí hoạt động tài chính quý II/2023 tăng cao hơn so với cùng kỳ. Đồng thời, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của nền kinh tế trong nước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thuộc liên danh Vietur ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6.532 tỷ đồng, tăng 85,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng khoảng 3.000 tỷ đồng). Doanh thu hoạt động kỳ 6 tháng đầu năm giảm 77,6% còn 202,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở đây là 6 tháng đầu năm 2023, Vinaconex báo lãi trước thuế 219,3 tỷ đồng, báo lãi sau thuế 139,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 70,2% và 80,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/6/2023, Vinaconex ghi nhận quy mô tài sản ở mức 31.409,4 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn là 12.394,2 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn ghi nhận 19.015,2 tỷ đồng, giảm 4,8% so với số đầu năm.
Điểm nổi bật, tại ngày 30/6/2023, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Vinaconex là 418,7 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Tiền thuế sử dụng đất ghi nhận 253,6 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng số tiền phải nộp. Tuy nhiên, trong đó, có tới hơn 215 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất mới phát sinh trong 6 tháng đầu năm nay.
Vinaconex ghi nhận khoản tiền 1.270,5 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có: Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (651,6 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (36,6 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 6.852,9 tỷ đồng, bao gồm: Dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá Cát Bà (5.094,5 tỷ đồng), Dự án Kim Văn Kim Lũ (507,2 tỷ đồng), Dự án Trung tâm Thương mại Chợ Mơ (422,5 tỷ đồng)…
Tính đến ngày kết thúc quý II, tổng nợ phải trả của Vinaconex là 21.454,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,8% so với đầu năm, chiếm 68,3% tổng nguồn vốn.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 7.291,7 tỷ đồng, tăng 36,4 so với đầu năm. Ở chiều ngược lại, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 6.058,9 tỷ đồng, giảm 25,8% so với đầu năm.