Lại đốc thúc kiểm soát mạnh chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu

27/04/2022 09:15 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương vừa Ký ban hành văn bản số 2187/BCĐ389-CQTT ngày 26/4/2022 về việc Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.
Lại đốc thúc kiểm soát mạnh chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu - Ảnh 1.

Lại đốc thúc kiểm soát mạnh chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Lực lượng Quản lý thị trường tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng vi phạm.

Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị  Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tư cách là bên liên doanh của Nghi Sơn cần sớm giải quyết các vấn đề nội bộ để thoát khỏi tình trạng khó khăn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

PVN cần có nghị quyết thống nhất trong Hội đồng thành viên và có báo cáo chính thức do cấp có thẩm quyền ký gửi Bộ Công Thương, trong đó có cam kết pháp lý và chịu trách nhiệm vật chất, tài chính nếu không bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như cam kết.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét điều chỉnh Quyết định số 242/QĐ-BCT (về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm) cho phù hợp tình hình. Trường hợp PVN không cung cấp được xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo đúng cam kết, PVN cần nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Trong khi PVN chưa có cam kết mang tính pháp lý và chịu trách nhiệm về tài chính đối với những cam kết về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường từ nguồn sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 242/QĐ-BCT.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý những vi phạm nếu có. Đồng thời, kiểm tra làm rõ số lượng hàng hoá của liên danh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trên thực tế có đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường như cam kết hay không.

Trên cơ sở đó, Bộ này sẽ có phương án điều hành xăng dầu quý III và quý IV/2022 và sớm triển khai và vận hành phần mềm quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 3 đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng vọt 87,6% về lượng và 259,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến hết quý I, nhập khẩu xăng dầu đạt 2,7 triệu tấn, trị giá hơn 2,4 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng tới 129% về trị giá so với cùng kỳ. Đây cũng là khối lượng nhập khẩu trong quý I cao nhất 4 năm qua trong khi kim ngạch cao nhất trong 11 năm do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục