Lãi suất điều hành sẽ giảm thêm 0,25-0,5% trong nửa cuối năm 2020?
Trong báo cáo phân tích vĩ mô công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng mặc dù Chính phủ đã quyết định dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội từ ngày 23/4 nhưng các hoạt động kinh tế cần nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là các ngành du lịch, giải trí và công nghiệp chế biến chế tạo.
"Do vậy, chúng tôi ước tính tăng trưởng GDP quý II năm 2020 suy giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019 và hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 xuống 4,5%", VNDirect cho biết.
Về lạm phát, giá dầu giảm đã góp phần kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2020 tăng 2,9% so với cùng kỳ 2019 (giảm mạnh so với mức tăng 4,9% của tháng 3/2020).
"Chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục duy trì mức thấp đến quý III/2020 do nhiều nước vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm hóa dầu", VNDirect dự báo.
Chính phủ Việt Nam đã tiến hành những biện pháp kiềm chế lạm phát mạnh mẽ, bao gồm yêu cầu các nhà cung ứng thịt lợn lớn trong nước phải tiến tới hạ giá bán thịt lợn hơi xuống mức 60.000 đồng/kg, đồng thời tăng hạn ngạch nhập khẩu thịt lợn để gia tăng nguồn cung thịt lợn trong nước. Với các biện pháp kể trên, Công ty chứng khoán này kỳ vọng giá thịt lợn hơi có thể dần trở về mức 65.000 đồng/kg vào cuối năm nay, từ mức giá hiện tại là khoảng 80.000-85.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã yêu cầu giảm 10% hóa đơn tiền điện trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 7 tới nhằm kiềm chế lạm phát. VnDirect dự đoán Chính phủ sẽ kiểm soát được lạm phát bình quân năm 2020 ở mức 3,2%. Điều này sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp lãi suất điều hành nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn hỗ trợ nền kinh tế.
Nói về động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hành Nhà nước trong lần gần nhất (kể từ ngày 13/5), TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, NHNN vẫn khá thận trọng trong việc đánh giá những rủi ro có thể có trong tương lai đối với kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam trước tác động của đại dịch Covid-19. "Quyết định trên cho thấy sự cẩn trọng của NHNN đề phòng những rủi ro có thể xảy ra đối với kinh tế trong nước và trên toàn cầu sau khủng hoảng Covid-19.
Chẳng hạn, dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài tại một số quốc gia thậm chí có thể bùng trở lại thành làn sóng thứ 2. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu nóng lên và có thể tác động xấu đến kinh tế toàn cầu trong trung hạn. Mức giảm các loại lãi suất điều hành của NHNN cũng cho thấy Chính phủ, NHNN vẫn muốn để dành dư địa cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ nếu thấy cần thiết trong thời gian tới", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Cho rằng nếu có điều kiện giảm thêm lãi suất hỗ trợ DN là điều tốt, song TS. Nguyễn Đức Độ lưu ý, vấn đề mấu chốt là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. "Không thể trông chờ quá nhiều vào giải pháp từ chính sách tiền tệ mà cụ thể là chính sách lãi suất. Ngân hàng phải đảm bảo lợi nhuận cũng như an toàn hoạt động của họ nên mọi sự hỗ trợ cũng chỉ ở mức độ", ông Độ cho biết.