Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại 4 ngân hàng quốc doanh "nhảy số", loạt dự báo "nóng"

15/03/2023 19:21 GMT+7
Ngay sau quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất tại quầy về 7,2%/năm. Các chuyên gia dự báo, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể giảm từ 0,5 điểm % - 1 điểm % trong thời gian tới.

Chiều 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát đi thông cáo điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Cùng với đó, giảm 0,5 % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Biểu lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng quốc doanh "nhảy số"

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ.

Trao đổi với Etime về quyết định của NHNN, TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng đánh giá quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất phù hợp với cả bối cảnh trong nước và thế giới.

Theo đó, trong các dự báo gần đây, các chuyên gia cũng đều cho rằng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ xem xét lại chính sách tăng lãi suất của mình, tăng nhẹ hơn, thậm chí còn chững lại.

Trong nước, tăng trưởng tín dụng chậm lại, người dân thận trọng vay vốn vì lãi suất đang ở mức cao. Vì vậy, việc giảm lãi suất là cần thiết.

"Giảm lãi suất có thể kéo tăng áp lực lạm phát, tuy nhiên mức giảm lãi suất từ 0,5% - 1% sẽ không tác động nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Trong khi đó, quyết định giảm lãi suất điều hành là động thái "bật đèn xanh" để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay", bà Hoàng Anh chia sẻ thêm quan điểm.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại 4 ngân hàng quốc doanh "nhảy số", loạt dự báo "nóng"  - Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất của 4 ngân hàng quốc doanh vừa điều chỉnh giảm. (Ảnh: VCB)

Trên thực tế, bà Hoàng Anh cho biết lãi suất huy động và cho vay đã giảm trong thời gian qua. Riêng về lãi suất huy động, bà Hoàng Anh cho rằng sẽ tiếp tục được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm trong tuần này.

Ngay sau động thái giảm lãi suất của NHNN, biểu lãi suất của 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã "nhảy số". Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng này đã giảm từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm.

Cụ thể, trên biểu lãi suất huy động của Vietcombank, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức 4,9%/năm; 3 tháng là 5,4%/năm; 6 tháng và 9 tháng là 5,8%/năm. Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất ở mức 7,2%/năm. Với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm, 24 tháng 7,2%/năm.

Hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, Agribank áp dụng lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng; 5,8%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tại VietinBank, tiền gửi tại quầy có lãi suất cao nhất là 7,2%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,9 - 5,4%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,8%/năm

BIDV huy động tiền gửi tại quầy với mức lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3 và 5 tháng; 5,8%/năm kỳ hạn 6 tháng; 5,9%/năm kỳ hạn 9 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Còn theo thống kê của VNDirect, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân và nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh đã giảm lần lượt 41 điểm và 20 điểm cơ bản so với thời điểm cuối tháng 1/2023.

Cùng với động thái giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Trong lĩnh vực bất động sản, 4 ngân hàng TPCP quốc doanh đã thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2,0% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Dự báo "nóng" về lãi suất tiết kiệm

Ông Đinh Quang Hinh - chuyên viên phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2023, dựa trên những luận điểm.

Thứ nhất, nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Hai là, Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp bơm thanh khoản vào nền kinh tế.

Bà là, NHNN sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ…

Tuy nhiên, mức giảm sắp tới sẽ không lớn do lãi suất giảm sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất chính sách đến giữa năm 2023 và giữ mặt bằng lãi suất cao đến quý IV/2023.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại 4 ngân hàng quốc doanh "nhảy số", loạt dự báo "nóng"  - Ảnh 3.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể giảm từ 0,5 điểm % - 1 điểm %.

Dự báo về xu hướng lãi suất trong thời gian tới sau quyết định của NHNN, TS Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể giảm từ 0,5 điểm % - 1 điểm %.

Tương tự, lãi suất cho vay cũng sẽ hạ nhiệt, tuy nhiên mức giảm có đạt kỳ vọng của doanh nghiệp hay không lại là câu chuyện khác.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục