Lãi suất tiết kiệm nới rộng độ giảm, chứng khoán sẽ hút dòng tiền?
Người dân và doanh nghiệp "rót thêm" gần 550.000 tỷ đồng vào ngân hàng, huy động vẫn tăng chậm
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2023. Theo đó, tổng tiền gửi đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với 12,37 triệu tỷ đồng. Con số này đã tăng thêm hơn 270.700 tỷ đồng sau 1 tháng. Nếu so với đầu năm, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tăng ròng gần 550.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,63%.
Trong đó, tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6 đạt hơn 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022 (tương đương tăng hơn 429.000 tỷ đồng). Đây cũng là tháng tăng thứ 8 liên tiếp của tiền gửi dân cư.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế sau 5 tháng giảm liên tiếp, trong tháng 6 cũng bất ngờ tăng trở lại với 235.438 tỷ đồng được gửi thêm vào hệ thống ngân hàng. Lũy kế đến tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,51% so với cuối năm ngoái. Trong khi trước đó, đến hết tháng 5 tiền gửi các tổ chức kinh tế thậm chí đã giảm 3,45% so với cuối 2022.
Dù tiền gửi doanh nghiệp tăng trở lại song tổng huy động vốn 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,3%, thấp hơn mức 4,73% tăng trưởng tín dụng và thấp hơn mức tăng trưởng huy động của cùng kỳ các năm liền trước ( 4,51% năm 2021; 4,09% năm 2020).
Lãi suất tiết kiệm nới rộng độ giảm, chứng khoán sẽ hút dòng tiền?
Tốc độ tăng tiền gửi chậm lại trong khi đó thị trường chứng khoán khởi sắc từ đầu năm đến nay, thu hút dòng tiền trong bối cảnh lãi suất huy động thấp.
Trong phân tích mới đây của bộ phận phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect cho thấy, bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã giảm về dưới 6,0%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 5,3% đến 6,8%/năm với mức trung bình khoảng 6,3%/năm, giảm gần 2 điểm % so với đầu năm.
Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất trong tháng 8 tại một số ngân hàng như MSB, STB, EIB, TCB, ACB với mức giảm khoảng 0,8-1,2 điểm % so với tháng liền trước.
Lãi suất tiết kiệm chứng kiến đà giảm mạnh trong thời gian qua do tác động 4 đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu 2023 làm giảm áp lực huy động; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Cùng với việc giảm lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5-1,0 điểm % so với cuối năm 2022. VnDirect kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa trong những tháng cuối năm nay, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhanh trong thời gian qua.
"Chúng tôi dự báo lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư", các chuyên gia phân tích dự báo.
Trong bối cảnh lãi suất huy động nới rộng biên độ giảm, theo đánh giá của bộ phận phân tích tại VnDirect, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục duy trì sức hút so với kênh tiền gửi tiết kiệm.
Theo tính toán của đơn vị này, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-INDEX trung bình trong tháng 8 ở khoảng 6,9%, điều chỉnh nhẹ so với tháng liền trước (7,2%) do lợi nhuận toàn thị trường chưa phục hồi kịp với đà tăng của VN-INDEX. Do đó, mặc dù lãi suất huy động 12 tháng trong tháng 8 tiếp tục giảm so với tháng trước (6,2% so với 6,5% trong tháng 7), khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng gần như không đổi so với tháng trước.
"Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện kể từ quý III/2023 và mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm xuống 6,0%/năm vào cuối năm 2023 thì chúng tôi cho rằng kênh chứng khoán sẽ cải thiện sức hấp dẫn so với kênh tiền gửi tiết kiệm trong những tháng cuối năm 2023", chuyên gia nhận định.