Lâm Đồng: Một năm phát hiện hơn 800 cây cần sa trồng trái phép

21/01/2021 16:23 GMT+7
Năm 2020, lực lượng chức năng Lâm Đồng đã phát hiện 818 cây cần sa được trồng trái phép. Tình hình trồng cây chứa chất ma túy diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh.

Vừa qua, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (cây cần sa) trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh như huyện Lâm Hà, Di Linh, Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lâm…

Theo đó, thống kê của cơ quan chức năng, huyện Lâm Hà là địa phương đã phát hiện số trường hợp vi phạm nhiều nhất, 13 vụ với 568 cây cần sa. Địa phương đã xử lý thu nhổ và thiêu hủy toàn bộ lượng cây cần sa đã phát hiện, phạt hành chính và kiểm điểm trước dân. Tiếp đó là các huyện Di Linh (13 trường hợp với 125 cây cần sa) và TP.Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Bảo Lâm, Đơn Dương với số vụ giảm dần.

Lâm Đồng: Tình hình trồng cây chứa chất ma túy diễn biến phức tạp, một năm phát hiện hơn 800 cây cần sa - Ảnh 1.

Tình hình trồng cây cần sa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn biến phức tạp, năm 2020 đã phát hiện 818 cây trồng trái phép.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao nên một số đối tượng vẫn cố tình trồng cây cần sa dù biết là vi phạm pháp luật. Được biết, lợi nhuận của loại cây này cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập từ các loại cây trồng khác. Cây có chứa chất ma túy là loại cây dễ trồng, chỉ gieo hạt không cần chăm sóc vẫn cho thu hoạch, không phụ thuộc vào mùa vụ, có thể trồng quanh năm, 4 mùa đều cho thu hoạch.

Lâm Đồng: Vì sao tình hình trồng cây chứa chất ma túy diễn biến phức tạp, một năm phát hiện hơn 800 cây cần sa - Ảnh 2.

Đối tượng Mai Văn Năm (trú tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) mượn đất của một người dân tại huyện Lâm Hà để trồng 92 cây cần sa và khai báo trồng cho bạn ở Đồng Nai để nuôi heo.

Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2020, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Phòng PC04 (Công an tỉnh Lâm Đồng) và lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an các địa phương đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội … để tuyên truyền về kiến thức phòng chống ma túy và tác hại của ma túy.

Đồng thời lồng ghép vào các phong trào khác như: Toàn dân xây dựng khu phố, thôn; toàn dân phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, khu phố không có tệ nạn ma túy…

Lâm Đồng: Tình hình trồng cây chứa chất ma túy diễn biến phức tạp, một năm phát hiện hơn 800 cây cần sa - Ảnh 3.

Cây cần sa là loại cây có lợi nhuận cao, dễ gieo trồng nên các đối tượng vẫn cố tình vi phạm dù biết phạm luật.

Tuy nhiên, do từ lâu trên địa bàn các xã, phường, thị trấn không xuất hiện việc trồng cây cần sa. Vì vậy có lúc, có nơi chính quyền địa phương đã chủ quan, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này. Hơn nữa, quy định xử lý của Nhà nước đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma túy nói chung và cây cần sa nói riêng còn nhẹ. Nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

Cũng theo ông Châu, một tín hiệu khả quan đó là các đối tượng trước đây có trồng cây chứa chất ma túy tại các địa bàn đã chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và không có trường hợp nào tái trồng cây chứa chất ma túy.

Văn Long
Cùng chuyên mục