Lâm Đồng: Trồng ớt chuông trong nhà kính, thả thêm con 8 chân hiệu quả bất ngờ

10/02/2021 06:55 GMT+7
Việc đưa loài nhện Ambly vào vườn để làm thiên địch khống chế các loại nhện hút nhựa cây, bọ trĩ, bọ phấn đã cho ông Nguyễn Phong Phú (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) kết quả bất ngờ.

Đây là cách làm rất hay của ông Nguyễn Phong Phú, được áp dụng trong chính 4.500m2 nhà kính trồng ớt chuông công nghệ cao của gia đình mình. Hiện nay, sau 4 tháng áp dụng, ông Phú cho biết đã nhận được kết quả rất tốt, côn trùng gây hại trên cây trồng đã giảm đến 80%.

Trồng ớt chuông trong nhà kính, thả thêm con 8 chân hiệu quả bất ngờ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phong Phú bên vườn ớt sử dụng nhện Ambly làm thiên địch của mình.

"Mô hình sử dụng nhện Ambly để khống chế các loại nhện hút nhựa cây, bọ trĩ, bọ phấn và dùng nhện Phyto để khống chế loài nhện đỏ gây hại của tôi được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ thực hiện. Có thể nói, mô hình này rất hiệu quả, 80% côn trùng đã bị "xử lý", cây ớt phát triển khỏe mạnh và năng suất khá tốt", ông Nguyễn Phong Phú tự tin giới thiệu với phóng viên.

Trồng ớt chuông trong nhà kính, thả thêm con 8 chân hiệu quả bất ngờ - Ảnh 2.

Trong mỗi lứa ớt chuông khoảng 9 tháng, nhện thiên địch sẽ được ông Phú thả 4 lần.

Ông Phú cho biết, gia đình ông có 2ha nhà kính, chuyên canh tác các loại rau, ớt chuông. Tuy nhiên, việc trồng ớt chuông thường xuất hiện các côn trùng gây hại khó phòng ngừa như nhện đỏ, bọ trĩ, bọ phấn. Các loại côn trùng này sinh sản nhanh, gây hại rất lớn cho cây trồng. 

Thông thường, người làm vườn thấy tình trạng này sẽ sử dụng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. Tuy nhiên, cách làm này nguy hiểm, không bền vững. Nhưng, với cách sử dụng nhện Ambly để phòng bệnh cho cây ớt chuông từ lúc cây ra hoa thì rất hiệu quả, tiết kiệm và an toàn cho sức khỏe.

Trồng ớt chuông trong nhà kính, thả thêm con 8 chân hiệu quả bất ngờ - Ảnh 4.

Việc áp dụng cách làm trên đã cho ông Phú hiệu quả bất ngờ, cây ớt phát triển khỏe mạnh, an toàn và tiết kiệm chi phí.

Theo ông Phú, việc thả thiên địch trên 1.000m2 ớt chuông tốn khoảng 8 triệu đồng/đợt. Một vụ ớt 9 tháng chỉ phải thả thiên địch 4 đợt. Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì 1.000m2 thì mỗi tháng chủ vườn phải chi gần 5,5 triệu đồng. Như vậy, nếu tính trên đơn vị diện tích 1.000m2 thì người làm sẽ tiết kiệm được 10 triệu đồng.

Trồng ớt chuông trong nhà kính, thả thêm con 8 chân hiệu quả bất ngờ - Ảnh 5.

Nhện thiên địch rất nhỏ, khó thấy bằng mắt thường nhưng rất hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Thùy - Kỹ sư nông nghiệp, Phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nhận định: "Mô hình dùng nhện thiên địch trên vườn ớt chuông của ông Nguyễn Phong Phú bước đầu cho hiệu quả cao. Côn trùng gây hại trên lá, hoa thậm chí cả rễ cây đều được khống chế đến 80%. Mô hình này rất phù hợp với xu hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục theo dõi để thấy rõ được hiệu quả của cách làm này, từ đó nhân rộng giúp bà con sản xuất".

Trồng ớt chuông trong nhà kính, thả thêm con 8 chân hiệu quả bất ngờ - Ảnh 6.

Chị Nguyễn Thị Thùy kiểm tra tính hiệu quả của việc sử dụng nhện thiên địch.

Nhện Ambly là nhện bắt mồi có khả năng kiểm soát bọ trĩ. Nó cũng có thể ăn phấn hoa, nhện hai chấm và các loại nhện khác. Con trưởng thành có màu nâu đỏ, dài dưới 0,5 mm, trứng tròn, trong suốt, đường kính 0,14 mm. Chu kỳ sống hoàn chỉnh mất 10-12 ngày ở nhiệt độ 20-25 độ C. Nhện Ambly sẽ tìm và bắt, sau đó hút kiệt con mồi.

Phong Lâm
Cùng chuyên mục