Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt

21/08/2022 18:20 GMT+7
Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ gỗ nội thất giảm mạnh.

Xuất khẩu gỗ lao đao vì lạm phát cao

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 7/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 845,9 triệu USD, giảm 19,2% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm 2022 thấp hơn so với năm 2021 do giá nguyên liệu sản xuất tăng cao bởi chi phí và vận chuyển tăng mạnh; cùng với đó các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Hoa Kỳ, khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này cũng giảm tốc. Khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 5,56 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm là nguyên nhân chính làm giảm đà tăng trưởng của ngành gỗ.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường lớn nhất giảm, thì trị giá xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực châu Á tăng trưởng khả quan trong 7 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,16 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021; Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 1 tỷ USD, tăng 23,1%; tới Hàn Quốc đạt 602 triệu USD, tăng 12,7%; tới Malaysia đạt 92,1 triệu USD, tăng 38%... Các doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng tối đa các FTA đã ký kết và có hiệu lực như RCEP, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN... để gia tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường.

Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt - Ảnh 3.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, đồ nội thất văn phòng là mặt hàng có tốc độ giảm mạnh nhất. 

Trong nửa cuối năm 2022, các cơ quan chức năng dự báo nhu cầu đối với nội thất văn phòng không cao. Nguyên nhân do thương mại toàn cầu đang bị đứt gãy, cộng thêm cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc vẫn tiếp tục và tình hình lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn như Mỹ và EU. Trong bối cảnh người dân ở nhiều thị trường nhập khẩu gỗ từ Việt Nam phải "thắt lưng buộc bụng", đồ nội thất không phải là ưu tiên lựa chọn. Tất cả các yếu tố trên sẽ dẫn tới việc kinh doanh gặp nhiều bất ổn và các doanh nghiệp sẽ tạm thời thu hẹp hoạt động, theo đó nhu cầu tiêu thụ đồ nội văn phòng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới. 

Vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường EU

Để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ, Việt Nam đang hướng đến thị trường EU. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam thời gian qua đã tăng trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối. 

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường ngoài khối trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 708 triệu tấn, trị giá 2,35 tỷ Eur (tương đương 2,4 tỷ USD), giảm 2,1% về lượng, nhưng tăng 25,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù lượng nhập khẩu giảm nhưng trị giá nhập khẩu vẫn tăng mạnh, do giá nhập khẩu bình quân mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài EU tăng cao. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, chi phí vận chuyển tăng khiến các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU phải tăng giá thành sản phẩm.

Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ ngoài khối lớn nhất cho EU trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 304 triệu tấn, trị giá 1,03 tỷ Eur (tương đương 1,05 tỷ USD), tăng 0,1% về lượng và tăng 27,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; Tiếp theo là thị trường Việt Nam đạt 60 nghìn tấn, trị giá 268,1 triệu Eur (tương đương 273,5 triệu USD), tăng 0,1% về lượng và tăng 31,6% về trị giá; Thổ Nhĩ Kỳ đạt 58 nghìn tấn, trị giá 159 triệu Eur (tương đương 162,2 triệu USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 33,9% về trị giá…

Hiện tại nhiều thị trường trong khối EU đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, điều này sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU trong những tháng tới. Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào EU.

Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt - Ảnh 4.

Nguồn: Eurostat Ghi chú: Tỷ giá 1 Eur = 1,02 USD

Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ EU nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối, mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng chính EU nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 365 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ Eur (tương đương 1,08 tỷ USD), giảm 1,7% về lượng nhưng tăng 25,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 175 triệu tấn, trị giá 865,5 triệu Eur (tương đương 882,8 triệu USD), tăng 3,8% về lượng và tăng 31,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong cơ cấu nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ EU nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối, Việt Nam chỉ cung cấp tỷ trọng thấp đối với các mặt hàng này. Trong đó, mặt hàng lớn nhất là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn EU nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,8% tổng lượng nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối EU; tiếp theo là đồ nội thất phòng ngủ chiếm 2,9%; đồ nội thất nhà bếp chiếm 0,6%; đồ nội thất văn phòng chiếm 2,5%. Chỉ có mặt hàng ghế khung gỗ chiếm 15,5% tổng lượng nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối, đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ EU nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, so với nhu cầu nhập khẩu lên tới 5,8 tỷ Eur/năm (tương đương 5,92 tỷ USD/năm) trong giai đoạn năm 2017 – 2021, thì trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Trong thời gian tới, nếu tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt - Ảnh 5.

Nguồn: Eurostat Ghi chú: Tỷ giá 1 Eur = 1,02 USD

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng trên toàn cầu đạt trung bình 3,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2017-2021, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,5% tổng trị giá nhập khẩu trên toàn cầu trong giai đoạn này. Mặc dù, mặt hàng trên không phải thế mạnh của ngành gỗ, tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu rất khả quan, bởi nhu cầu thị trường lớn nhưng Việt Nam mới chỉ cung cấp được một phần nhỏ, và có dư địa để các doanh nghiệp khai thác.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục