Lạm phát Hoa Kỳ lên mức cao nhất trong 31 năm qua: Ứng phó của các nhà sản xuất?

12/11/2021 09:16 GMT+7
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vì đại dịch trong khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh, các doanh nghiệp thiếu lao động và chuyển chi phí phải chịu sang người tiêu dùng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát tại Hoa Kỳ.

Giá cả tăng vọt, lan rộng do đứt gãy chuỗi cung ứng và cầu tăng

Vào tháng 10 vừa qua lạm phát của Hoa Kỳ đạt mức cao nhất trong 3 thập kỷ. Giá cả tăng cao và trên diện rộng. Giá các mặt hàng từ hàng tạp hóa cho đến ô tô đều tăng do tình trạng thiếu cung liên tục và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI - đo lường những gì người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ - đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với một năm trước. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong chu kỳ 12 tháng kể từ năm 1990 và là tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát trên 5%.

Chỉ số giá cốt lõi cho chi tiêu tiêu dùng cá nhân, loại trừ các danh mục thực phẩm và năng lượng thường xuyên biến động, đã tăng 4,6% trong tháng 10 so với một năm trước đó. Mức này cao hơn mức tăng 4% của tháng 9 và là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1991.

Tính theo tháng, chỉ số CPI điều chỉnh theo mùa trong tháng 10 đã tăng 0,9% so với tháng trước, tăng nhanh so với mức tăng 0,4% của tháng 9 và bằng với tốc độ 0,9% của tháng 6.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với một năm trước. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong chu kỳ 12 tháng kể từ năm 1990. Nguồn: Bộ Lao động Hoa Kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với một năm trước. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong chu kỳ 12 tháng kể từ năm 1990. Nguồn: Bộ Lao động Hoa Kỳ.

Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, giá tăng trên diện rộng. Ô tô mới và đã qua sử dụng, xăng dầu và các chi phí năng lượng khác, đồ đạc, tiền thuê nhà và chăm sóc y tế đều có giá cao hơn. Giá thực phẩm ở cả cửa hàng tạp hóa và ăn uống đều tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giá vé máy bay và rượu giảm.

Chứng khoán Hoa Kỳ giảm còn lợi suất trái phiếu tăng vì các nhà đầu tư hiểu rõ tác động của áp lực giá lên nền kinh tế toàn cầu.

Lạm phát cao hơn liên tục do sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự đoán nhưng không đồng đều. Đồng thời, hàng nghìn tỷ USD kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch của chính phủ và các yếu tố khác đang khiến người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều hơn. Cùng lúc, nền kinh tế đang phục hồi và bảng cân đối tài sản hộ gia đình lành mạnh cũng kích cầu và làm tăng giá.

Sự gia tăng lạm phát đang làm phức tạp chiến lược của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ trong việc loại bỏ các chính sách tiền tệ dễ dãi mà FED đã áp dụng sớm trong đại dịch. Việc loại bỏ các chính sách này cũng là một yếu tố chính trị ảnh hưởng đến chương trình nghị sự kinh tế của chính quyền tổng thống Biden.

Những điều trên đã làm gợi lại chỉ trích của Đảng Cộng hòa đối với kế hoạch chi tiêu xã hội và khí hậu trị giá khoảng 2.000 tỷ USD của Đảng Dân chủ, là lãng phí và có khả năng gây lạm phát. Kế hoạch này bao gồm việc tài trợ cho việc chăm sóc trẻ mở rộng, vườn trẻ miễn phí, cải thiện chế độ tín dụng thuế trẻ em và các khoản khác, cùng với các điều khoản để giảm giá thuốc theo toa.

Giá đang tăng nhanh nhất ở miền Nam Hoa Kỳ. Vùng này đã mở cửa trở lại sớm hơn những nơi khác trong đại dịch nhưng sau đó bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi biến thể Delta của Covid-19. Giá cũng tăng nhanh hơn ở vùng Trung Tây so với vùng ở Đông Bắc và Tây Hoa Kỳ.

Thói quen chi tiêu hậu đại dịch đã dẫn đến nhu cầu hàng hóa cao bất thường.

Xu hướng chi tiêu hậu đại dịch đã dẫn đến nhu cầu hàng hóa cao bất thường. Ảnh: Bloomberg.

Laura Rosner-Warburton, nhà kinh tế cấp cao tại MacroPolicy Perspectives, dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian, khi Hoa Kỳ bước vào giai đoạn giá tăng cao bất thường trong chu kỳ 6 tháng.

Bà nói: "Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn mới, nơi lạm phát rộng hơn và mọi thứ sẽ trở nên căng thẳng hơn một chút. Một phần của điều đó phản ánh rằng các nút thắt [chuỗi cung ứng] sẽ không được giải quyết khi bước vào kỳ nghỉ lễ. Đây là lúc nhiều giao dịch mua được thực hiện và nền kinh tế đang hoạt động thực sự tốt, vì vậy bạn có nhu cầu mạnh mẽ".

Bà Rosner-Warburton nhận thấy có sự thay đổi trong một loạt những yếu tố sẽ thúc đẩy lạm phát. Những yếu tố làm tăng giá này trái ngược với những tháng trước đó. Ở thời điểm trước, sự tăng giá được thúc đẩy một cách không cân xứng do giá xe tăng vọt và các dịch vụ được mở cửa trở lại sau khi xuất hiện vaccine Covid-19.

Mức giá xe mới, xe đã sử dụng và giá đổi xe từ năm 2016 tới năm 2021 tại Hoa Kỳ.

Mức giá xe mới, xe đã sử dụng và giá đổi xe từ năm 2016 tới năm 2021 tại Hoa Kỳ.

Jordan Berry, một cư dân sống tại Washington, D.C. cho biết, cô đã cảm thấy sức ép khi giá cao hơn. Cô gái 21 tuổi này sẽ nghỉ học 1 năm và dành thời gian đó để làm nghề trông trẻ, gia sư và đầu bếp riêng. Cô nói rằng mình đã bị ảnh hưởng bởi giá hàng tạp hóa cao hơn và giá bắt Uber để đến nhà khách hàng và quay về.

Cô nói: "Số tiền mà tôi đang tiêu lúc này thật vô lý. Nó làm tôi lo lắng". Khi so sánh những lần đi mua hàng tạp hóa hiện tại với hồi đầu năm nay, Berry nói: "Gần đây, tôi đã đến Whole Foods và Trader Joe's, chúng tôi đã tiêu cùng một số tiền những nhận được ít thứ hơn nhiều".

Một ngày, Jordan Berry đã đặt một chuyến Uber để đi trông trẻ cách nhà khoảng 6,5km và choáng váng với mức giá đề xuất là 30 USD. Cô phải đợi 15 phút cho đến khi giá giảm. Cô nói: "Giá Uber đã rút cạn túi tiền của tôi. Berry cho biết thêm, một người đã thuê cô nấu hai bữa ăn và nguyên liệu có giá 100 USD khiến cô phải tính thêm tiền cho khách hàng.

Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng đã góp phần khiến hàng hóa bị thiếu hụt và giá cả cao hơn.

Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng đã góp phần khiến hàng hóa bị thiếu hụt và giá cả cao hơn.

Các quan chức FED đang theo dõi chặt chẽ các đo lường lạm phát để đánh giá liệu sự tăng giá gần đây sẽ là tạm thời hay lâu dài hơn. Một trong những yếu tố họ quan tâm là kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong tương lai. Yếu tố này có thể chứng minh lạm phát là do các hộ gia đình đòi hỏi mức lương cao hơn và chấp nhận mức giá cao hơn với dự đoán giá sẽ tăng thêm.

Theo một cuộc khảo sát của FED New York, kỳ vọng lạm phát trung bình của người tiêu dùng trong 3 năm tới ở mức 4,2% vào tháng 10, giống như vào tháng 9. Đây là mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2013.

Giá xăng trong tháng trước đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá này cao gần bằng mức đỉnh điểm năm 2014. Giá hàng tạp hóa tăng 5,4%, trong đó giá thịt lợn tăng 14,1% so với năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1990.

Trong tháng 10, giá xe mới tăng 9,8%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1975. Giá đồ nội thất và giường ngủ tăng mạnh nhất kể từ năm 1951. Giá lốp xe và dụng cụ thể thao cũng tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1980.

Giá ăn tại nhà hàng tăng 5,3% vào tháng trước đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Các nhà kinh tế cho biết giá ăn nhà hàng tăng ổn định trong vài tháng qua là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch từ lương cao sang giá cao hơn. Những dịch chuyển như vậy đang ngày càng thể hiện nhiều hơn ở các lĩnh vực khác.

Kích thích của chính phủ và thị trường việc làm đang được cải thiện đã khiến nhu cầu cao bất thường. Đây là một yếu tố quan trọng thúc đẩy lạm phát cao hơn.

Tính theo năm, chi tiêu của người tiêu dùng tăng với tốc độ là 1,6% trong quý 3, giảm mạnh so với mức tăng 12% trong quý trước. Tuy nhiên, phần lớn sự giảm tốc đó là do khan hiếm ô tô mới và các mặt hàng tiêu dùng lâu bền khác. Chi tiêu của người tiêu dùng cho dịch vụ trong quý trước đã tăng với tốc độ hàng năm rất nhanh là 7,9%.

Trong những tuần gần đây, chi tiêu cho các dịch vụ đã tăng mạnh trở lại khi số ca mắc covid-19 giảm. Điều này có thể làm tăng áp lực lên giá cả.

Các nhà kinh tế cho biết giá ăn nhà hàng tăng ổn định trong vài tháng qua là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch từ lương cao sang giá cao hơn.

Các nhà kinh tế cho biết giá ăn nhà hàng tăng ổn định trong vài tháng qua là dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch từ lương cao sang giá cao hơn.

Các doanh nghiệp đang chuyển áp lực lạm phát chi phí đẩy sang người tiêu dùng

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11 trên 560 doanh nghiệp nhỏ của The Wall Street Journal, các doanh nghiệp cũng đang chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. 60% các chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết họ đã tăng giá trong 90 ngày qua.

80% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết chi phí nhân công cao hơn, trong khi 72% nói rằng các nhà cung cấp đã tăng giá, còn hơn một nửa số doanh nghiệp phải chịu chi phí nguyên liệu thô và các đầu vào khác cao hơn.

Các công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu và đang trì hoãn các đơn đặt hàng, làm tăng thêm áp lực cho cầu. Ví dụ nổi bật nhất là tình trạng thiếu chất bán dẫn đã làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô và đẩy giá cả xe cũ lẫn xe mới lên cao.

Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng về tài chính Hoa Kỳ tại Oxford Economics, cho biết sự thiếu hụt riêng biệt về nhân công có sẵn cũng đang ảnh hưởng đến lạm phát và nền kinh tế nói chung.

Bà nói: "Bức tranh lớn hơn là chúng ta có thể thấy lạm phát tăng cao hơn. Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn".

Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ từ năm 1967 - 2021.

Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ từ năm 1967 - 2021.

Tình trạng khan hiếm công nhân cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang gây áp lực tăng lên đối với tiền lương, tạo thêm động lực cho các công ty tăng giá để bù đắp chi phí lao động cao hơn. Richard F. Moody, nhà kinh tế trưởng tại Regions Financial Corp, nói rằng giá thực phẩm và năng lượng cao hơn vì sản lượng, thời tiết và các yếu tố địa chính trị liên quan đến đại dịch - cũng là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát.

Ông nói: "Tất cả những yếu tố này đang được chuyển thành mức giá cao hơn mà chúng ta phải trả tại cửa hàng tạp hóa".

Một số công ty đang chạy đua để bắt kịp đà tăng giá liên tục và nhanh chóng trên toàn nền kinh tế.

Nhà tư vấn định giá và là người sáng lập trang PricingAudit.com, ông Tom McTaggart cho biết mình bắt đầu nhận thấy sự gia tăng liên tục của lạm phát do [tắc nghẽn] chuỗi cung ứng trong suốt mùa hè. Ông có số giờ làm việc đã vượt qua con số của cả năm 2020. Đây cũng là một năm kỷ lục trong công việc kinh doanh của ông. Nhu cầu về các dịch vụ của ông cung cấp đã tăng lên khi các khách hàng phải vật lộn để bảo toàn lợi nhuận của họ.

Ông McTaggart nói: "Đó là một vòng lặp không bao giờ kết thúc — vào thời điểm bạn đã thực hiện một đợt tăng giá, bạn đã sẵn sàng để triển khai một đợt tăng giá mới. Nó giống như việc bạn cố gắng hạ một mục tiêu đang di chuyển trong khi đang đứng trên một bục chuyển động".

Tiệp Nguyễn
Cùng chuyên mục