Lạm phát tháng 5 của Mỹ cao nhất hơn 40 năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng nhanh nhất từ tháng 12/1981, theo dữ liệu vừa được công bố bởi Cục Thống kê Lao động quốc gia này.
CPI thậm chí tăng cao hơn so với dự báo 8,3% của Dow Jones. Nếu loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng, CPI cơ bản tăng 6%, cao hơn ước tính tăng 5,9% của giới chuyên gia.
Tính theo tháng, CPI toàn phần tăng 1% trong khi lạm phát cơ bản tăng 0,6%, cao hơn mức tăng 0,7% và 0,5% ghi nhận trong tháng 4.
Chi phí nhà ở, nhiên liệu và thực phẩm tăng góp phần đẩy lạm phát cao hơn.
Chi phí năng lượng tăng 3,9% so với tháng trước đó. Tính tới thời điểm hiện tại của năm 2022, chi phí năng lượng tăng tổng cộng 34,6%. Giá nhiên liệu dầu tăng 16,9% so với tháng 4, và tăng 106,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Chi phí nhà ở, đóng góp hơn 30% vào CPI, tăng 0,6% so với tháng trước, và 5,5% so với 1 năm trước đó.
Cuối cùng, chi phí thực phẩm tăng 1,2% trong tháng 5, góp phần nâng mức tăng vắt năm lên 10,1%.
Giá cả tăng cao đồng nghĩa với việc thu nhập thực tế của người lao động teo nhỏ lại. Chỉ số này giảm 0,6% trong tháng 4 dù thu nhập trung bình giờ tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập thực tế bình quân theo giờ của người lao động Mỹ giảm 3%.
Dữ liệu vừa được công bố "dập tắt" hy vọng của nhà đầu tư rằng lạm phát đã chạm đỉnh, đồng thời làm gia tăng quan ngại nền kinh tế số một thế giới sớm rơi vào suy thoái.