Làn sóng tẩy chay Nike, Adidas ở Trung Quốc "chết yểu" khi dân đổ xô săn sale giày Nike

30/03/2021 09:52 GMT+7
Làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc với các thương hiệu quốc tế như Nike và Adidas đã dần hạ nhiệt, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng SCMP mới đây đưa tin.

Một làn sóng tẩy chay hàng loạt thương hiệu bán lẻ quốc tế, trong đó có Nike và Adidas đã bùng lên tại Trung Quốc hồi tuần trước khi những tuyên bố của các hãng này về cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương bất ngờ bị khơi lại.

Làn sóng tẩy chay Nike, Adidas ở Trung Quốc "chết yểu" khi dân đổ xô săn sale giày Nike - Ảnh 1.

Làn sóng tẩy chay Nike, Adidas "chết yểu", chỉ duy H&M chịu hậu quả lớn

Vụ việc bắt đầu từ một tuyên bố của Liên đoàn Thanh niên Trung Quốc trên tài khoản Weibo chính thức về những tuyên bố trước đây của H&M liên quan đến việc không sử dụng bông Tân Cương do cáo buộc cưỡng bức lao động. Hàng loạt nhãn hàng sau đó cũng bị cuốn vào làn sóng tẩy chay vì những phát ngôn tương tự, đặc biệt là những nhãn hàng trong Sáng kiến Bông chất lượng gồm Nike, Adidas, H&M và Fast Retailing (công ty mẹ Uniqlo). Hồi tháng 10 năm ngoái, nhóm này đã tạm ngừng sử dụng bông có nguồn gốc Tân Cương trong sản xuất BST 2020-2021 với lý do quan ngại về hành vi vi phạm nhân quyền.

Tiêu biểu, tuyên bố của Nike khẳng định: “Chúng tôi quan ngại về các báo cáo liên quan đến tình trạng lao động cưỡng bức ở Khu tự trị tộc người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Nike không cung cấp các sản phẩm từ Tân Cương và chúng tôi cũng đã xác nhận với các nhà cung cấp mà chúng tôi hợp tác về việc không sử dụng bông, sợi dệt từ khu vực này”.

Sau vụ việc, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Nike và Adidas, hai đại gia thời trang thể thao toàn cầu. Nhưng phần lớn các đội bóng, đội thể thao vẫn im lặng. Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc được cho là cũng lên tiếng chỉ trích Nike vì tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương, nhưng không cắt hợp đồng 10 năm với thương hiệu thể thao này. Nike cũng có nhiều hợp đồng tương tự với một số câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của Trung Quốc.

Trái với H&M khi sản phẩm bị gỡ hoàn toàn khỏi các trang thương mại điện tử, sản phẩm của Nike và Adidas vẫn phổ biến tại Trung Quốc. Các store trực tuyến của cả hai thương hiệu vẫn hoạt động bình thường trên những nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao hay JD.com. Làn sóng tẩy chay Nike và Adidas cũng đang hạ nhiệt dần.

Một đợt giảm giá giày Nike nữ với giá 699 NDT (107 USD) vào cuối tuần trước tại store trực tuyến trên sàn Tmall đã thu hút tới 350.000 người Trung Quốc đăng ký, và sản phẩm gần như được bán hết ngay lập tức. Tờ SCMP đánh giá nhu cầu của người dùng Trung Quốc với các sản phẩm của Nike và Adidas vẫn rất cao.

Dù làn sóng tẩy chay Nike và Adidas đã tạm lắng xuống, nhiều chuyên gia quan sát vẫn quan ngại rằng  sự quay lưng của người dùng Trung Quốc vừa qua chính là lời nhắc nhở các thương hiệu phương Tây về sức mạnh của thị trường tỷ dân. Nhà phân tích Aneesha Sherman từ Bernstein cho hay: “Đó là một vị trí khó khăn. Các thương hiệu không thể bỏ qua lập trường của họ, nhưng họ cũng không muốn bỏ qua thị trường Trung Quốc”.

Trong khi đó, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã chuyển trọng tâm từ việc chỉ trích các thương hiệu sang cáo buộc Washington thao túng Sáng kiến Bông chất lượng.

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục không có dấu hiệu hạ nhiệt khi Tân Tổng thống Joe Biden nắm quyền tại Nhà Trắng. Ông Biden tuyên bố chiến lược kéo các đồng minh phương Tây vào cuộc nhằm gây sức ép lớn hơn với Trung Quốc, điều đó tạo ra thách thức lớn với các công ty phương Tây hoạt động tại thị trường tỷ dân.


NTTD
Cùng chuyên mục