Lao động Trung Quốc "bỏ phố về quê": lợi bất cập hại

28/06/2021 14:43 GMT+7
Sau nhiều năm đổ xô vào các thành phố kiếm việc làm, lao động nhập cư Trung Quốc giờ đây đang “di cư ngược” về quê.

Dân số già, chi phí sinh hoạt đắt đỏ và xu hướng kinh doanh mới như phát trực tuyến thương mại điện tử đang góp phần đảo ngược làn sóng di cư đến các thành phố lớn - vốn là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.

Dữ liệu chính thức do chính phủ công bố cho thấy hàng triệu người Trung Quốc đã không quay trở lại các thành phố để kiếm việc sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 buộc họ trở về quê vào năm ngoái. Tính đến hết tháng 3/2021, cơ quan thống kê quốc gia cho biết lượng lao động nhập cư của cả nước hiện vẫn thấp hơn 2,46 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Điều này nghĩa là khoảng hơn 2 triệu lao động Trung Quốc đã lựa chọn ở lại quê thay vì quay trở lại thành phố để tìm kiếm việc làm.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng China có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị đã chậm lại trước khi có xu hướng giảm. Và vào năm 2020, lần đầu tiên nó đã giảm”.

“Di cư ngược (quay lại nông thôn) chắc chắn sẽ tăng nhanh trong những năm tới, một phần do người lao động không đủ tiền mua nhà ở thành phố và cũng không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến nhưng đắt đỏ ở thành phố” - bà Dan Wang nói thêm. 

Lao động Trung Quốc "bỏ phố về quê": lợi hay hại? - Ảnh 1.

Rời bỏ phố thị, lao động Trung Quốc di cư ngược về quê (Ảnh: Getty Images)

Một yếu tố chính thúc đẩy tình trạng di cư ngược là vấn đề già hóa dân số, khi tỷ lệ lao động nhập cư trên 50 tuổi đã tăng gấp đôi lên 26% trong 12 năm qua. 

Trong vài thập kỷ qua, hàng chục triệu người lao động nông thôn Trung Quốc đã tìm đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thâm Quyến để tìm việc làm khi nhà nước tiến hành mở cửa kinh tế. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và giao thông vận tải để đáp ứng dân số tăng lên tại đô thị đã trở thành một yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Nhưng thực tế cho thấy người lao động nhập cư đã phải đối mặt với điều kiện lao động khắc nghiệt. Thêm vào đó, chế độ quản lý cư trú qua hộ khẩu nghiêm ngặt đã cản trở nhóm người này tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và trường học, tức là họ khó có thể đón con cái hoặc gia đình lên thành phố nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Họ cũng gặp khó khăn trong việc mua nhà ở thành phố do giá cả quá đắt đỏ và quy chế hộ khẩu nghiêm ngặt. 

Trong khi các thành phố nhỏ hơn như Tây An đang cố gắng thu hút các lao động có trình độ cao bằng việc nới lỏng quy định quản lý cư trú, các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn siết chặt vấn đề hộ khẩu do lo sợ dân số phình to làm quá tải hệ thống phúc lợi và nguồn tài nguyên địa phương.

Nhiều hình thức tạo việc làm mới từ xa

Các số liệu chính thức cho thấy năm ngoái, có hơn 1,6 triệu người đã trở về nông thôn để bắt đầu kinh doanh so với con số được ghi nhận năm 2019. Một phần nguyên nhân do chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các hình thức đô thị hóa nông thôn nhằm xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, hơn một nửa số dự án khởi nghiệp kinh doanh tập trung vào ứng dụng phát trực tuyến hoặc các phương pháp trực tuyến khác để bán hàng. Người sống ở vùng nông thôn hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số để làm việc từ xa cho các công ty trong thành phố.

Qingtuanshe, một nền tảng tìm kiếm việc làm trong ứng dụng di động Alipay, cho biết trong năm ngoái, lượng tin đăng tuyển dụng người phát trực tuyến và các công việc liên quan đến lĩnh vực phát trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Khu vực tuyển dụng không chỉ giới hạn trong các thành phố lớn, mà còn tăng nhanh ở các thành phố nhỏ cấp ba và cấp bốn.

Báo cáo từ các cơ quan trực thuộc chính phủ cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng và hiện đóng góp tới hơn 1/3 trong tỷ trọng GDP quốc gia. Trung Quốc cũng báo cáo số người sử dụng Internet tại khu vực nông thôn tăng hơn 50 triệu người vào năm ngoái.

Tuy nhiên, Jialu Shan, nhà kinh tế và học giả phụ trách các thị trường mới nổi châu Á tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế cảnh báo sự bùng nổ của ngành phát trực tuyến tại Trung Quốc cũng kéo theo hiện tượng bán sản phẩm giả và một số hành vi không lành mạnh khác.

Vẫn còn nhiều thách thức

Bất chấp ngành phát trực tuyến bán hàng bùng nổ tạo cơ hội việc làm cho người lao động nông thôn, các thống kê cho thấy doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn tăng chậm hơn dự kiến và thị phần ngành bán hàng trực tuyến thì đình trệ.

Theo khảo sát của Ant Group và trung tâm tài chính hộ gia đình tại Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam, trong quý I/2021, sự lạc quan của người tiêu dùng đã tăng lên nhưng thước đo chi tiêu tiêu dùng vẫn không tăng như kỳ vọng. 

Chưa kể, đối với phần lớn người lao động trình độ thấp, việc di chuyển trở lại quê nhà có thể giúp họ giảm chi phí sinh hoạt. Nhưng bù lại, với mức thu nhập thấp hơn ở nông thôn, tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong nền kinh tế sẽ ngày một tăng lên.


NTTD
Cùng chuyên mục