Lập đỉnh mới, đà tăng giá cà phê có kéo dài?
Giá cà phê hôm nay 21/5: Tuần tăng, thêm 4.000 đồng/kg
Tính chung cả tuần qua, thị trường cà phê London có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng tất cả 156 USD, tức tăng 6,41 %, lên 2.588 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 121 USD, tức tăng 5,02 %, lên 2.530 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York có 3 phiên tăng và 4 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng tất cả 9,15 cent, tức tăng 5,00 %, lên 192,00 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 8,65 cent, tức tăng 4,79 %, lên 189,30 cent/lb, các mức giảm tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tăng trong tuần qua, lên dao động trong khung 58.800 - 59.300 đồng/kg. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận điều chỉnh tăng trong khoảng 4.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận mức giao dịch là 58.800 đồng/kg - mức thấp nhất ở thời điểm hiện tại, tăng 3.900 đồng/kg. Tiếp đến là hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai ghi nhận mức giao dịch là 59.100 đồng/kg, tăng 3.900 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk đang thu mua cà phê với giá 59.200 đồng/kg sau khi tăng 3.900 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông là 59.300 đồng/kg vào cuối tuần này, tăng 4.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong tuần tăng vọt do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, trong đó giá cà phê Robusta London thiết lập mức cao mới 12 năm, bất chấp báo cáo của Safras & Mercados cho biết vụ mùa Conilon Robusta mới ở Brazil đã thu hoạch gần 20% sản lượng nhờ thời tiết thuận lợi. Quỹ Funcafe đã phê duyệt khoảng ngân sách trị giá 6,37 tỷ Reais để hỗ trợ cho người trồng cà phê không vội vàng bán hàng trong khi đang thu hoạch.
Trong tuần, USDX đã tăng thêm 1,5% giá trị khiến hầu hết giá cả hàng hóa nói chung đều bật tăng mạnh mẽ.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê trong 4,5 tháng đầu năm 2023 đã đạt 778.986 tấn (khoảng 12,98 triệu bao), giảm 2,53% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục góp phần duy trì giá cà phê kỳ hạn London ở mức cao ngất ngưởng.
Tính đến thứ sáu, ngày 19/05, tồn kho cà phê Robusta do ICE – London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 1.900 tấn, tức tăng 2,35 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 82.810 tấn (tương đương 1.380.167 bao, bao 60 kg).
Theo giới chuyên gia, đà tăng giá cà phê trong nước sẽ còn tăng trong dài hạn do nguồn cung suy giảm khi diện tích bị co hẹp. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá cà phê có thể chịu áp lực điều chỉnh sau thời gian dài tăng giá liên tục và một phần ảnh hưởng bởi giá cà phê thế giới.
Quý I/2023, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn. Xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2023, song đà tăng giá chậm lại trong các phiên từ ngày 26 – 28/4/2023. Lo ngại rủi ro tăng cao khi báo cáo GDP quý I/2023 của Mỹ thấp hơn dự kiến có thể làm nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm khiến các giới đầu cơ dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường chứng khoán đang có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Dự báo 2 tháng còn lại của quý II/2023, tốc độ tăng giá cà phê có thể chậm lại do các yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo không có nhiều khả quan trong năm nay. Thị trường đã chứng kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất USD lên thêm 0,25 điểm phần trăm tại phiên họp điều hành đầu tháng 5, góp phần gia tăng gánh nặng cho việc đầu cơ hàng hóa, giúp giá vàng và dầu thô hồi phục, tác động tiêu cực lên giá cà phê.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu cà phê của các thị trường Mỹ, Anh, Nhật Bản giảm so với cùng kỳ năm 2022. Kinh tế khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, bất ổn trên thị trường tài chính được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhiều nền kinh tế lớn giảm.
Ngược lại, trị giá nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu và Canada tăng trong những tháng đầu năm 2023. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, tháng 1/2023, EU nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt xấp xỉ 1,74 tỷ EUR (tương đương gần 1,92 tỷ USD), tăng 14,7% so với tháng 1/2022. Trong đó, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 126 triệu EUR (tương đương 139 triệu USD), tăng 35,4% so với tháng 1/2022.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của EU từ thế giới chiếm 7,23% trong tháng 1/2023, cao hơn so với 6,1% thị phần trong tháng 1/2022.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo, niên vụ 2022/2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc cùng với lạm phát ở mức cao sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới. Do đó, ICO dự báo tăng trưởng tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ chậm lại trong niên vụ 2022/2023, với mức tăng 1,7% lên 178,5 triệu bao. Trong đó, tiêu thụ cà phê của châu Âu được dự báo chỉ tăng 0,1% trong niên vụ 2022/2023, sau khi tăng 6% trong niên vụ trước.
Mặc dù vậy, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thiếu hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thiếu hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022/2023. Điều này có khả năng sẽ hỗ trợ cho giá cà phê thế giới tăng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 163.607 tấn, trị giá 398,8 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 10% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn giảm 5,5% về lượng và 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 716.580 tấn, trị giá hơn 1,63 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê tháng 4 được thúc đẩy trong bối cảnh giá xuất khẩu mặt hàng này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, với bình quân 2.437 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế trong 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đã tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 2.271 USD/tấn.
Về thị trường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Philippines… có xu hướng giảm, trong khi các thị trường như Mỹ, Nga, Algeria, Indonesia, Mexico… lại tăng rất mạnh.
Trong đó, EU tiếp tục là khách hàng lớn nhất với khối lượng đạt 284.285 tấn, trị giá 619,2 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu là do lượng cà phê xuất khẩu sang Bỉ đã giảm đến 57,4%, xuống chỉ còn 33.122 tấn so với 77.790 tấn của cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu sang hầu hết thị trường khác trong khu vực lại tăng như: Đức đạt 99.220 tấn, tăng 3,9%; Italy đạt 70.526 tấn, tăng 25,5%; Tây Ban Nha đạt 36.019 tấn, tăng 0,5%… Xét về thị phần, EU hiện chiếm đến 40% về lượng và 38% kim ngạch trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khác cũng giảm trong 4 tháng đầu năm nay như: Nhật Bản giảm 16,2%, Anh giảm 40,4%, Trung Quốc giảm 5,5%...
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 31,1% lên mức 54.055 tấn và đứng thứ hai về thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam với thị phần 7,5%.
Ngoài ra, lượng xuất khẩu cà phê sang một số thị trường khác cũng tăng mạnh như: Nga tăng 54,4%, Algeria tăng 98,9%, Ấn Độ tăng 68,6%, Hàn Quốc tăng 16%, đặc biệt Indonesia và Mexico tăng đột biến 255,4% và 507,5%...