Robusta tăng mạnh, giá cà phê trong nước tiến dần mốc 60.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 18/5: Tiếp tục lập đỉnh mới, tiến gần mốc 60.000 đồng/kg
Giá cà phê kỳ hạn trên thị trường biến động trái chiều. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2023 được ghi nhận tại mức 2.582 USD/tấn sau khi tăng 2,83% (tương đương 71 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 tại New York ở mức 186,05 US cent/pound sau khi giảm 0,40% (tương đương 0,75 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 11h42 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê nhân xô ngày 17/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 700 - 900 đồng/kg. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 57.000 - 57.500 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 57.000 đồng/kg sau khi tăng 700 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 57.400 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk ghi nhận mức giao dịch là 57.500 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương sau khi tăng tiếp 800 đồng/kg.
Giá cà phê thế giới tăng mạnh 4 phiên liên tiếp trên sàn London, giảm nhẹ ở sàn New York. Như vậy, giá cà phê Robusta trên sàn kỳ hạn tại ICE Futures Europe London tiếp tục đứng ở mức cao nhất 12 năm, kể từ tháng 6/2011, sau khi nhà sản xuất Robusta hàng đầu - Việt Nam hạn chế tránh bán ra, báo cáo xuất khẩu sụt giảm.
Duy trì đà tăng liên tiếp là thông tin sản lượng vụ mới năm nay của nhà sản xuất Robusta lớn thứ ba thế giới Indonesia có khả năng chỉ đạt dưới 10 triệu bao, lần đầu tiên sau 10 năm do mưa quá nhiều gây cản trở việc thu hoạch vụ mùa của niên vụ 2023/2024, theo Volcafe. Trong khi đó, vụ thu hoạch của Brazil chậm hơn bình thường.
Nông dân Việt Nam hầu như không còn cà phê để bán sau khi họ chuyển phần lớn diện tích cà phê cần tái canh hàng năm sang trồng sầu riêng và chanh dây do có lợi nhuận cao hơn.
Trong khi đó, mặc dù đã thu hoạch một vụ mùa đạt kỷ lục khoảng 22,92 triệu bao hồi năm ngoái, nhưng xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil cũng đã giảm tới 53% trong vòng 10 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại (7/2022 – 6/2023). Trên thị trường, tỷ giá đồng Real của Brazil tăng nhẹ so với USD cũng đã khuyến khích người Brazil hạn chế đưa hàng ra thị trường, góp thêm phần căng thẳng cho nguồn cung trên thị trường cà phê toàn cầu.
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) giữ nguyên dự báo thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thiếu hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thiếu hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Thống kê của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 tiếp tục giảm 9,3% so cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 12 triệu bao. Với kết quả này, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (20/10/2022 đến 20/3/2023) đã giảm 6,4%, tương đương 4,2 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 62,3 triệu bao.
Chỉ số giá cà phê tổng hợp (I-CIP) được theo dõi bởi ICO đã tăng 5% so với tháng trước lên mức bình quân 178,6 US cent/pound, tương ứng với 168,1 – 187,3 US cent/pound. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 9/2022. Với xu hướng đi lên từ cuối năm 2022 đến nay, giá cà phê thế giới đã tăng 14% từ mức trung bình 156,7 US cent/pound vào tháng 11/2022 lên 178,6 US cent/pound trong tháng 4/2023.
2 tháng còn lại của quý II/2023, tốc độ tăng giá cà phê có thể chậm lại do các yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo không có nhiều khả quan trong năm nay. Việc Fed nâng lãi suất lên thêm 0,25 điểm phần trăm tại phiên họp điều hành đầu tháng 5 góp phần gia tăng gánh nặng cho việc đầu cơ hàng hóa tác động tiêu cực lên giá cà phê.
Tình hình chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang loại cây ăn trái ngày càng phổ biến. Điển hình như tại Gia Lai, nông dân đang ồ ạt giảm diện tích cây cà phê để chuyển sang chanh leo do thu nhập từ loại cây này ngày càng cao.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 163.607 tấn, trị giá 398,8 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 10% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê đã liên tục tăng cao kể từ đầu năm đến nay do lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và khô hạn có thể ảnh hưởng đến sản lượng cà phê của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Tính đến hết tháng 4, giá cà phê vượt mốc 55.000 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Đà tăng giá cà phê trong nước sẽ còn trong dài hạn do nguồn cung suy giảm khi diện tích bị co hẹp. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá cà phê có thể vẫn chịu áp lực điều chỉnh sau thời gian dài tăng giá liên tục và một phần ảnh hưởng bởi giá cà phê thế giới.