Giá cà phê trái chiều cuối tuần, cung Robusta có dấu hiệu cạn kiệt

14/05/2023 16:53 GMT+7
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều phiên cuối tuần thể hiện xu hướng đầu cơ khá khác biệt trên các thị trường kỳ hạn thế giới. Giá cà phê trong nước hôm nay 14/5 trong khoảng 53.100 - 54.400 đồng/kg.

Giá cà phê ngày 14/05/2023: London tăng hồi phục

Giá cà phê Robusta trở lại xu hướng tăng khi dấu hiệu nguồn cung ngày càng cạn kiệt đã đẩy giá hàng sang tay lên rất cao.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng sau phiên lao dốc trước đó. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 39 USD, lên 2.432 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 37 USD, lên 2.409 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo ổn định kéo dài.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York duy trì xu hướng suy giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 0,15 cent, xuống 182,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 0,20 cent, còn 180,65 cent/lb, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Robusta quay đầu tăng, cà phê trong nước vượt mốc 54.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 14/05/2023 lúc 14:54:01 (delay 10 phút)

Robusta quay đầu tăng, cà phê trong nước vượt mốc 54.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 14/05/2023 lúc 14:54:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê trái chiều cuối tuần, cung Robusta có dấu hiệu cạn kiệt - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày 14/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khung 53.100 - 54.400 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày 14/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khung 53.100 - 54.400 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê có xu hướng biến động trái chiều. Trong đó, tỉnh Kon Tum ghi nhận mức giao dịch là 53.100 đồng/kg - mức thấp nhất ở thời điểm hiện tại, giảm 800 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh giá lên mức 53.900 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai đang thu mua cà phê với giá 54.300 đồng/kg, tương ứng tăng 400 đồng/kg và 500 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông là 54.400 đồng/kg vào cuối tuần này, tăng 500 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều phiên cuối tuần thể hiện xu hướng đầu cơ khá khác biệt trên các thị trường kỳ hạn thế giới ngay trước thềm vụ mùa ở Brazil đã khởi đầu thu hoạch ở những vùng trồng Conilon Robusta và tiếp sau vài tháng là các vùng trồng cà phê Arabica. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu ghi nhận nguồn cung cà phê Robusta tạm thời khá căng thẳng do nhu cầu tiêu thụ loại cà phê “giàu vị đắng” trong thời gian những năm dịch bệnh covid-19 vừa qua đã tạo ra sự thiếu hụt có tính cục bộ.

Giá cà phê Robusta hồi phục phiên cuối tuần còn do sự hỗ trợ của đồng Bảng Anh sau khi Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE) nâng lãi suất lên thêm 0,25% để góp phần ngăn ngừa lạm phát trong khu vực EU đã tác động tâm lý nhà đầu cơ tại sàn London.

Trong khi đó, một số thương nhân tại thị trường cà phê Đông Nam Á tiêp tục chật vật để tìm kiếm nguồn cà phê Robusta để trang trải cho các hợp đồng đã ký, trong khi nguồn cung từ nông dân Việt Nam dường như đã cạn kiệt.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá gần 1,23 tỷ USD, tăng 36,3% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với quý IV/2022, nhưng so với quý I/2022 giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá. 

Dự báo quý II/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê của khu vực châu Âu tăng. Giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), niên vụ 2022/2023, sản lượng cà phê Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Trong đó, sản lượng của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 4,6% so với vụ trước, ở mức 49,7 triệu bao.

Quý I/2023 so với quý IV/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực trên thế giới tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Phi tăng 75%; châu Âu tăng 42,4%; châu Đại Dương tăng 30,2%. So với quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Phi tăng, nhưng xuất khẩu sang khu vực châu Âu và châu Đại Dương giảm. 

Về cơ cấu thị trường: Quý I/2023 so với quý IV/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Hoa Kỳ. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý và Bỉ ghi nhận mức tăng trưởng cao, lần lượt tăng 86,8% và 60,7%. So với quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường Ý, Hoa Kỳ, Nga… tăng, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Bỉ… giảm.

Về cơ cấu chủng loại: Quý I/2023 so với quý IV/2022, trị giá xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica tăng lần lượt 39,7% và 42,2%, trong khi xuất khẩu cà phê chế biến và cà phê Excelsa giảm lần lượt 9,5% và 83,7%. So với quý I/2022, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Arabica giảm 27,2%.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục