Liên tục thua lỗ, thép Nam kim phải bán công ty con

23/05/2019 13:43 GMT+7
Ngày 21/05 vừa qua, HĐQT CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã ra Nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại công ty con. Cụ thể, NKG sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công tyTNHH MTVNam Kim Corea cho phía Chinasia Textile (Hongkong) Limited. Chinasia Textile Limited có địa chỉ tại Hong Kong, sau khi chuyển nhượng, Thép Nam Kim không còn là chủ sở hữu đối với Nam Kim Corea.

Được biết, Nam Kim Corea được thành lập ngày 17/7/2017 có trụ sở chính tại Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Theo BCTC hợp nhất quý I/2019, giá trị gốc mà NKG đã đầu tư vào Nam Kim Corea là 72 tỷ đồng.

Việc bán ra công ty con diễn ra trong bối cảnh Thép Nam Kim liên tục thua lỗ, quý 4/2018 lỗ kỷ lục hơn 173 tỷ, bước sang  quý 1 mức lỗ tiếp tục hơn 101 tỷ đồng, tài sản bốc hơi hơn ngàn tỷ.

 Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của công ty , doanh thu thuần đạt 2.943 tỷ đồng giảm 18% so với cùng kỳ trong đó chủ yếu là do giảm sút doanh thu xuất khẩu - giảm 35%. Sau khi trừ các khoản chi phí, lỗ ròng Công ty hơn trăm tỷ tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 121 tỷ đồng. Theo giải trình của Thép Nam Kim, nguyên nhân thua lỗ là do giá nguyên vật liệu biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của công ty.

Với việc lỗ tiếp trong quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy kế của Nam Kim nhanh chóng lùi về chỉ còn 211 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của Nam Kim đã giảm 1.053 tỷ đồng chủ yếu do cắt giảm hàng tồn kho, hiện tồn kho của Nam Kim tiếp tục giảm 33% so với đầu kỳ xuống còn 1.622 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ phải trả của Nam Kim chiếm tới gần 60% tổng tài sản, ở mức 4.199 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính dù giảm mạnh tới 1.160 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức cao bao gồm 2.040 tỷ đồng ngắn hạn và 1.225 tỷ đồng dài hạn.Quý I/2019 là lần đầu tiên kể từ ngày cổ phiếu được niêm yết, NKG lâm vào cảnh làm ăn dưới giá vốn.

Thực tế, trong năm vừa qua, việc kinh doanh giảm sút không chỉ diễn ra ở Thép Nam Kim, mà là câu chuyện chung của nhóm ngành thép năm qua. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang đi cùng xu hướng bảo hộ tại các thị trường nước ngoài khiến ngành thép Việt Nam nói chung và ngành tôn nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Hồng Nhung
Cùng chuyên mục