Lĩnh vực khởi nghiệp chip Trung Quốc hút vốn chưa từng có nhưng còn xa mới bắt kịp Mỹ
Tờ Caixin cho hay các khoản đầu tư vào lĩnh vực chip đồ họa đa năng (GPGPU) đã bùng nổ trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược vào ngành công nghiệp chip đồ họa đang phát triển của Trung Quốc. Trong khi dòng chip đồ họa truyền thống (GPU) xử lý hình ảnh hiển thị trên máy tính, GPGPU được thiết kế để xử lý dữ liệu thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc thúc đẩy khả năng tự lực tự cường của ngành công nghiệp chip trong nước, cùng với cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu, các công ty khởi nghiệp chip Trung Quốc đang đứng trước cơ hội đột phá lớn. Với mục tiêu đi tắt đón đầu thế hệ công nghệ mạch tích hợp tiếp theo, nhiều công ty chip Trung Quốc đang tăng cường tuyển dụng nhân tài - bao gồm cả các nhà lãnh đạo đi ra từ những gã khổng lồ chip hàng đầu thế giới như Nvidia.
Chẳng hạn, trường hợp của nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo Iluvatar CoreX được thành lập vào năm 2015 là một ví dụ điển hình. Hồi tháng 3 vừa qua, Iluvatar CoreX đã công bố dòng chip GPGPU đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế với công nghệ 7nm tiên tiến.
Một công ty tiềm năng khác là Biren Technology có trụ sở tại Thượng Hải, với định giá hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD). Kể từ khi thành lập vào năm 2019 đến nay, công ty này đã huy động được khoảng 4,7 tỷ nhân dân tệ từ hơn 40 nhà đầu tư bao gồm Hillhouse Group, Walden International China và BAI Capital.
Hay nhà sản xuất mạch tích hợp MetaX được thành lập vào năm 2020 của Trung Quốc, một cái tên mới nổi nhưng đã thu hút dòng vốn đầu tư từ các đối tác khủng bao gồm Sequoia Capital và ZhenFund. Hai nhà sáng lập của MetaX trước đó đều có thời gian làm việc tại hãng chip khổng lồ Advanced Micro Devices của Mỹ.
Nhà khởi nghiệp chip non trẻ Moore Threads Technology cũng gây bất ngờ khi huy động được hàng tỷ nhân dân tệ sau 2 vòng gọi vốn chỉ trong vòng 100 ngày kể từ khi thành lập.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn của nhiều nhà đầu tư, các công ty chip khởi nghiệp của Trung Quốc thừa nhận việc bắt kịp hoặc xa hơn nữa là cạnh tranh vị thế thống trị với các gã khổng lồ chip Mỹ như Nvidia là không dễ dàng. Sẽ mất hàng tỷ USD để các công ty này xây dựng một hệ sinh thái phần mềm tương đương với Nvidia.
Theo ông Liu Hongchun, đối tác sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Winreal Investment, sẽ cần nhiều năm để các công ty khởi nghiệp chip Trung Quốc đáp ứng được tiêu chuẩn chip từ các khách hàng lớn trong nước như Alibaba hay Tencent.
Tuy nhiên, không thể thừa nhận các công ty chip Trung Quốc đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp chip nội địa. Wang Endong, chủ tịch điều hành kiêm nhà khoa học chính về điện toán đám mây tại Inspur nhận định nhu cầu về chip điện toán AI chắc chắn sẽ tăng vọt theo cấp số nhân. Vào năm 2020, khả năng tính toán của chip tăng tốc AI - các mạch tích hợp đặc biệt được thiết kế cho các dòng chip xử lý dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo như GPGPU - đã vượt qua khả năng tính toán của các đơn vị xử lý trung tâm thông thường (CPU), ông Wang cho hay.
Trong khi các công ty Trung Quốc hướng tới dòng chip GPU, Nvidia hiện đang tiếp tục phát triển lĩnh vực CPU và Bộ xử lý dữ liệu (DPU). Công ty đang theo đuổi một gói thầu trị giá 40 tỷ USD với nhà sản xuất chip vương quốc Anh Arm Holdings. Nếu thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ mua bán lớn nhất từ trước đến nay trong ngành công nghiệp chip. Năm ngoái, Nvidia đã ra mắt dòng chip DPU đầu tiên sau khi hoàn tất việc mua lại nhà sản xuất chip Mellanox của Israel trị giá 6,9 tỷ USD vào tháng 4/2020. Trong khi Nvidia bận rộn với thị trường CPU và DPU, đây có thể là cơ hội tuyệt vời cho các công ty GPU Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành nhận định.
Nvidia đã dẫn đầu về công nghệ AI trong thập kỷ qua, biến GPU trở thành tiêu chuẩn xử lý trí tuệ nhân tạo. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 25 lần trong 5 năm qua, qua đó đưa giá trị thị trường Nvidia tăng vọt lên hơn 450 tỷ USD, chỉ đứng sau nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC.
Không khó để hiểu tại sao các công ty Trung Quốc muốn chen chân vào lĩnh vực màu mỡ này. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để phát triển ngành công nghiệp chip tự lực tự cường. Theo dữ liệu từ công ty luật Katten Muchin Rosenman của Mỹ, trong năm 2020, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc thu hút tới 140 tỷ nhân dân tệ vốn đầu tư mạo hiểm, trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn bậc nhất của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, thống kê từ 164 công ty chip Trung Quốc cho thấy các doanh nghiệp này đã huy động được hơn 40 tỷ nhân dân tệ từ thị trường vốn, gần bằng mức huy động được trong cả năm 2019.