Lo ngại bệnh viêm da nổi cục bùng phát trên đàn trâu bò gây thiệt hại cho nông dân

19/11/2020 16:17 GMT+7
Tính đến ngày 18/11, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra trên đàn trâu, bò của 116 hộ tại 43 thôn ở 19 xã, thị trấn trên địa bàn 7/11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, tổng số trâu, bò mắc bệnh là 189 con; số trâu bò chết, bắt buộc phải tiêu hủy là 7 con.

Vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp triển khai cấp bách nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. 

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn tính từ thời điểm phát hiện ổ bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đầu tiên vào ngày 13/10, đến ngày 18/11, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra trên đàn trâu, bò của 116 hộ tại 43 thôn ở 19 xã, thị trấn trên địa bàn 7/11 huyện, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 189 con; số trâu bò chết, bắt buộc phải tiêu hủy là 7 con (714 kg). 

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguy cơ lây lan bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là rất cao. Bởi đây là bệnh dễ lây lan, trong khi bà con vẫn chăn thả trâu bò tự do, không thể kiểm soát; chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò của các hộ vẫn chưa đảm bảo vệ sinh, chưa được tiêu độc khử trùng triệt để.

Lạng Sơn: 7/11 huyện, thành phố xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò - Ảnh 1.

Nhiều cục nổi dưới da con trâu, bò của nhiều hộ dân chăn nuôi trên địa bàn Lạng Sơn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, ngay từ khi phát hiện ổ bệnh đầu tiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, qua đó đã hạn chế tối đa bệnh lây lan ra diện rộng. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia súc cần cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò; nuôi nhốt trâu, bò tại khu vực có gia súc mắc bệnh và nghi mắc bệnh. 

Đồng thời tổ chức tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng… liên tục trong 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao. 

Lạng Sơn: 7/11 huyện, thành phố xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò - Ảnh 2.

Lạng Sơn thành lâp các chốt kiểm dịch kiểm soát dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Chính quyền địa phương cần khẩn trương khoanh vùng dịch, lập chốt tạm thời kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch; tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu trên địa bàn, ghi rõ thông tin tình trạng sức khỏe để tổ chức theo dõi; tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh kịp thời phát hiện báo cáo chính quyền và cơ quan thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch. 

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn do đó, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia phòng, chống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống bệnh dịch; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xem xét, quyết định việc nhập vắc – xin để chủ động tiêm phòng cho đàn trâu, bò và hỗ trợ trang thiết bị, vật tư cho Lạng Sơn phục vụ công tác phòng, chống dịch.

PV
Cùng chuyên mục