Lo ngại suy thoái kinh tế, giá cao su còn bị tác động mạnh
Giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu
Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, sản lượng cao su toàn cầu tăng cùng với giá dầu thô suy yếu cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng trong các phiên đầu tháng 8/2022, sau đó đảo chiều giảm trong ngày 09/8/2022. Ngày 09/8/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 239,5 yen/kg (tương đương 1,77 USD/kg), giảm 4,9% so với cuối tháng 7/2022, nhưng tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giảm xuống 11.920 nhân dân tệ/tấn vào ngày 04/8/2022, sau đó tăng trở lại, nhưng vẫn giảm so với cuối tháng trước. Ngày 09/8/2022 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 12.160 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,80 USD/kg), giảm 0,2% so với cuối tháng 7/2022 và giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá cao su liên tục giảm mạnh kể từ đầu tháng 8/2022. Ngày 09/8/2022, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 58,5 Baht/kg (tương đương 1,65 USD/kg), giảm 4% so với cuối tháng 7/2022, nhưng tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Cập nhật ngày 16/8 cũng cho thấy, giá cao su tiếp tục giảm sâu tại thị trường châu Á là Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 8/2022 ghi nhận mức 219,5 yen/kg, giảm 0,63%, giảm 1,4 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 9, 10, 11, 12 cũng đều giảm khá mạnh.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2022 đứng ở mức 11.845 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,75%, giảm 90 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm ở tất cả các kỳ hạn tháng 10, 11 và tháng 1/2023, tháng 3/2023 với mức giảm mạnh.
Nhập khẩu cao su của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 7/2022. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 7/2022, Trung Quốc nhập khẩu 579,7 nghìn tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), với trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với tháng 6/2022; so với tháng 7/2021 tăng 10,4% về lượng và tăng 10,9% về trị giá. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 3,97 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, trị giá 7,48 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan: Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, 6 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu được 2,61 triệu tấn cao su (HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 149,25 tỷ Baht (tương đương 4,12 tỷ USD), tăng 6,7% về lượng và tăng 18,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022.
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 49,5% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022 với 1,29 triệu tấn, trị giá 71,78 tỷ Baht (tương đương 1,98 tỷ USD), tăng 3,7% về lượng và tăng 20,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. (Tỷ giá 1 Baht = 0,02764 USD).
Về chủng loại xuất khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu được 1,7 triệu tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 94,64 tỷ Baht (tương đương 2,61 tỷ USD), tăng 5,3% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 30,2% tổng lượng cao su tự nhiên xuất khẩu của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022 với 514,84 nghìn tấn, trị giá 27,45 tỷ Baht (tương đương 758,86 triệu USD), giảm 6,7% về lượng, nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường lớn là Trung Quốc và Malaysia giảm; trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc lại tăng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su tổng hợp (HS 4002) của Thái Lan đạt 818,56 nghìn tấn, trị giá 48,64 tỷ Baht (tương đương 1,34 tỷ USD), tăng 9,6% về lượng và tăng 27,7% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 89,8% tổng lượng cao su tổng hợp xuất khẩu của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022, với 735,21 nghìn tấn, trị giá 43,23 tỷ Baht (tương đương 1,19 tỷ USD), tăng 12,8% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia tăng; trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Malaysia và Việt Nam giảm.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su nhiều nhất của Việt Nam
Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước giảm nhẹ so với cuối tháng trước. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 290-302 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC so với cuối tháng 7/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ở mức 306-308 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC so với cuối tháng 7/2022. Mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 285-295 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 7/2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 7/2022, Việt Nam xuất khẩu được 196,5 nghìn tấn cao su, trị giá 318,98 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với tháng 6/2022; tuy nhiên so với tháng 7/2021 giảm 3,9% về lượng và giảm 5,7% về trị giá. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 983,76 nghìn tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 7,2% về lượng và tăng 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu: Tháng 7/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.623 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng 6/2022 và giảm 1,8% so với tháng 7/2021.
Tháng 7/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 71,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 140,04 nghìn tấn, trị giá 220,09 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với tháng 6/2022; tuy nhiên so với tháng 7/2021 giảm 7,6% về lượng và giảm 10,3% về trị giá. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.572 USD/tấn, giảm 1,1% so với tháng 6/2022 và giảm 3% so với tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 676,36 nghìn tấn cao su, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 7/2022, xuất khẩu cao su sang một số thị trường lớn tăng cả về lượng và trị giá so với tháng 7/2021, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nga, Canada, Tây Ban Nha…; tuy nhiên một số thị trường vẫn giảm nhập khẩu cao su từ Việt Nam như: Thị trường Đài Loan, Hoa Kỳ, Srilanca, Pakistan, Nhật Bản…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt gần 6,64 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong đó, trị giá nhập khẩu cao su từ Malaysia và Hàn Quốc giảm, trong khi trị giá nhập khẩu cao su từ 3 thị trường Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 959,67 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 chiếm 14,45%, cao hơn so với mức 14,37% của 6 tháng đầu năm 2021. Trong những tháng gần đây, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại. Tuy Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid”, nhưng quốc gia này vẫn đang cần nhập khẩu lượng mủ cao su và cao su sơ chế rất lớn để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm cao su của nước này.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên (HS 4001) của Trung Quốc đạt 2,03 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Indonesia, Lào và Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với 123,48 triệu USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,1% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 5,8% của 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường: Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines… Trong đó, trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên từ Lào tăng mạnh nhất, tăng tới 973,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su tự nhiên từ một số thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) của Trung Quốc đạt 2,66 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 828,88 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 31,2% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 32,8% của 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines; trong khi giảm nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia, thị trường Đài Loan, Hàn Quốc… so với cùng kỳ năm 2021.