Lo ngại toàn cầu thiếu hụt cà phê Robusta đã thúc đẩy giá cà phê tiếp nối xu hướng tăng
Giá cà phê hôm nay 22/1: Dao động quanh mốc 41.000 đồng/kg trong tuần qua
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London trở lại đà tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 26 USD, lên 1.944 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 25 USD, lên 1.909 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm tăng 0,20 cent, lên 154,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 0,25 cent, lên 155,75 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 200 - 300 đồng, lên dao động trong khoảng 40.600 - 41.200 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê nhìn chung chỉ biến động nhẹ. Vào cuối tuần, chỉ có Gia Lai là tăng 100 đồng/kg so với đầu tuần. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đang thu mua cà phê với giá 40.600 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Tỉnh Kon Tum hiện ghi nhận mức giá 41.100 đồng/kg, tiếp đó là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với mức 41.200 đồng/kg. Có cùng mức giá 41.200 đồng/kg là tỉnh Gia Lai, tăng nhẹ 100 đồng/kg so với thứ hai (16/1).
Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng sau báo cáo của Conab – Brazil cho thấy sản lượng cà phê Arabica không cao như kỳ vọng, trong khi sản lượng cà phê Robusta sụt giảm khá mạnh sau tác động tiêu cực của các đợt sương giá năm 2021 buộc người trồng phải cắt xén cải tạo lại vườn cây khiến năng suất sụt gảm.
Nhà kinh doanh Volcafe dự báo thị trường cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 sẽ thiếu hụt khoảng 5,6 triệu bao cà phê Robusta, trong đó nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới sẽ sụt giảm sản lượng xuống mức thấp 10 năm do mưa quá nhiều làm hư hại mùa màng, trong khi mức tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa Indonesia vẫn duy trì ở mức cao hai con số.
Giới chuyên môn dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tại thị trường cà phê thế giới, theo dự báo của giới thương nhân, giá cà phê thế giới vẫn chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 6,6 triệu bao lên 172.8 triệu bao vào niên vụ 2022/2023, trong khi mức tiêu thụ tăng hơn 800 nghìn bao so với mức 167,9 triệu bao của niên vụ 2021/2022. Ngoài ra, USDA dự báo vụ thu hoạch cà phê Robusta của Brazil sẽ tiếp tục mở rộng để đạt kỷ lục 22,8 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao.
Cuối tháng 12/2022, giá cà phê giảm mạnh so với mức đỉnh vào tháng 9/2022, trở về mức giá đầu năm.
Cuối năm 2022, thị trường cà phê toàn cầu giao dịch trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2023. Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ từ thông tin về dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ được công bố cho thấy số lượng người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp mới tăng ít hơn so với dự kiến và nền kinh tế trong quý 3/2022 đã phục hồi nhanh hơn ước tính, qua đó có khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tự tin hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Năm 2022, giá cà phê Robusta tại Việt Nam biến động mạnh: Trong khoảng 8 tháng đầu năm 2022, giá duy trì quanh mức 40.000 đồng/kg, sang các tháng 9 và 10 giá tăng mạnh lên mức 47.000 – 48.000 đồng/kg, sau đó biến động theo xu hướng giảm trong các tháng 11 và 12/2022. Ngày 24/12/2022, giá cà phê Robusta tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ổn định so với ngày 30/11/2022, ở mức 40.700 – 40.800 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng, giá giảm 100 đồng/kg so với ngày 30/11/2022, xuống còn 40.100 đồng/kg. Ngược lại, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai tăng 200 đồng/kg, lên mức 40.800 đồng/kg.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021.
Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Đại Dương tăng cao nhất, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm 2021; mức tăng thấp nhất 7,9% xuất khẩu tới khu vực Châu Phi.