Cà phê Robusta điều chỉnh giảm, thị trường bắt đầu trầm lắng do Tết Nguyên đán

17/01/2023 18:08 GMT+7
Thương mại tại thị trường cà phê nội địa Việt Nam đã bắt đầu trầm lắng do người dân tập trung vào Tết Nguyên đán đang đến gần… Giá cà phê hôm nay (17/1) dứt chuỗi tăng, giảm nhẹ 100 đồng/kg xuống còn 40.500 - 41.100 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 17/1: Quay đầu giảm nhẹ 100 đồng/kg

Kết thúc phiên giao dịch một mình đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 9 USD, xuống 1.907 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 8 USD, còn 1.871 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York không thay đổi do thị trường đóng cửa nghỉ Lễ kỷ niện Martin Luther King, ngày Lễ Quốc gia của Mỹ.

Cà phê Robusta điều chỉnh giảm, thị trường bắt đầu trầm lắng do Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 17/01/2023 lúc 11:54:01

Cà phê Robusta điều chỉnh giảm, thị trường bắt đầu trầm lắng do Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Giá cà phê hôm nay (17/1) dứt chuỗi tăng, giảm nhẹ 100 đồng/kg xuống còn 40.500 - 41.100 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 40.500 - 41.100 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.500 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đó là tỉnh Gia Lai với mức 41.000 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng quay đầu xuống mức 41.100 đồng/kg trong hôm nay.

Trước đó, tính chung cả tuần 2 của đầu năm 2023, thị trường London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng tất cả 91 USD, tức tăng 4,99 %, lên 1.916 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 82 USD, tức tăng 4,56 %, lên 1.879 USD/tấn, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Trái lại, thị trường New York có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng liên tiếp. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm tất cả 6,60 cent, tức giảm 4,17 %, xuống 151,70 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 6,95 cent, tức giảm 4,36 %, còn 152,55 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Nổi bật trong tuần qua là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ đã giảm thêm 0,1% nối tiếp đà giảm trong vài tháng qua, đã khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ chậm lại đà tăng lãi suất trong những phiên họp chính sách sắp tới, đã thúc đẩy các Quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường hàng hóa tăng mua sau khi đã thanh lý vị thế ròng khá mạnh tay trong vài tuần trước đó.

Theo các nhà phân tích, các thị trường cà phê kỳ hạn vẫn tỏ ra thận trọng về xu hướng giá vào lúc này khi báo cáo cho thấy tồn kho cà phê Arabica của ICE New York quản lý đã tăng lên mức cao 6,5 tháng sau khi đã giảm xuống mức thấp hơn 23 năm và thông tin thời tiết ở Brazil có nhiều mưa thuận lợi, hứa hẹn vụ mùa mới của niên vụ 2023/2024 sẽ là vụ bội thu. Trong khi đó, tồn kho cà phê Robusta của ICE London quản lý còn đứng ở mức thấp 4,5 năm, vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện cho dù kỹ thuật cho thấy thị trường đã bước vào vùng “quá mua”.

Dường như các nhà đầu tư Phố Wall đã làm quen với dấu hiệu lạm phát chậm lại nên Chứng khoán Mỹ đã phản ứng nhẹ nhàng hơn khi báo cáo CPI tháng 12 được công bố, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh bất ngờ tăng 0,1% trong tháng 11 và triển vọng của tháng 12 cũng hết sức khả quan làm giảm mối lo suy thoái. Trong khi đó, sự nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), bước đi ngược lại với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác đã giúp tỷ giá đồng Yên tăng 2% so với USD, mức cao nhất kể từ tháng 6 và lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014 khiến thị trường kỳ vọng BoJ sẽ mạnh tay nới lỏng hơn nữa.

Với mức lãi suất 13,5%/năm nhưng đồng Reais – Brazil vẫn đứng vững cho thấy sự thắt chặt chính sách tiền tệ chỉ hợp lý theo từng thị trường.

Giá cà phê Robusta kỳ hạn tại London điều chỉnh giảm đầu tuần này do chỉ báo kỹ thuật thị trường đã vào vùng “quá mua” và giá cách biệt với Arabica ở New York hiện đã quá cao, rất có lợi cho việc kinh doanh giữa hai sàn. Tuy nhiên, giá vẫn chưa xuyên thủng mốc tâm lý 1900 USD nhờ thị trường London còn có sự hỗ trợ của báo cáo tồn kho do ICE – London quản lý đang ở mức thấp 4,5 năm chưa thể bổ sung kịp thời trong ngắn hạn.

Trong khi đó, thị trường nội địa của Việt Nam-nhà sản xuất Robusta hàng đầu đã bước vào giai đoạn trầm lắng do người dân đang tập trung mọi việc cho kỳ lễ Tết Nguyên đán Quý Mão sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Thông thường, hoạt động thương mại cà phê sẽ bị đình trệ khoảng 2 tuần trước và sau lễ đón Giao Thừa năm mới.

Năm 2022 thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng phi mã, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2021. 

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021. 

Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Trong 10 tháng năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhập khẩu cà phê của các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thị phần cà phê Việt Nam trên tổng nhập khẩu của 3/5 thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021 gồm: Đức, Pháp, Canada; trong khi thị phần trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm. 

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ đạt 8,07 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 285 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 3,87% trong 10 tháng năm 2021 xuống 3,53% trong 10 tháng năm 2022. 

Đức là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất châu Âu. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, ngành cà phê Đức xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Theo dự báo, thị trường cà phê Đức sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,09% trong giai đoạn 2022 – 2027. Do đó, Đức là thị trường nhập khẩu cà phê tiềm năng lớn mà các quốc gia sản xuất đều muốn khai thác. 

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê của Đức đạt 4,72 tỷ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Đức nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 494,9 triệu USD, tăng 58,2%. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Đức tăng từ 9,35% trong 10 tháng năm 2021 lên 10,47% trong 10 tháng năm 2022. 

Để khai thác tốt thị trường cà phê Đức, ngành cà phê Việt Nam cần nắm rõ nhu cầu thị trường. Hiện nhu cầu của người tiêu dùng của người Đức đối với cà phê đặc sản đang tăng lên do nhận thức và kiến thức về sản phẩm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã bắt đầu một xu hướng mới đối với cà phê rang xay tại nhà. Ngoài ra, người tiêu dùng cà phê Đức có nhu cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc bền vững trong nước. Do đó, các chương trình chứng nhận đóng vai trò quan trọng khi xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bằng cách cung cấp tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Cà phê Robusta điều chỉnh giảm, thị trường bắt đầu trầm lắng do Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Nguồn: ITC; (*) Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ; (**) Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Ghi chú HS 0901 Cà phê, đã hoặc chưa rang hoặc chưa tách cafein; vỏ và vỏ cà phê; sản phẩm thay thế

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục