Lộc Trời (LTG) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 lên 400 tỷ đồng

14/05/2021 15:59 GMT+7
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã CK: LTG) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vào ngày 23/5 theo hình thức trực tuyến.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh truyền thống với doanh thu thuần năm 2021 đạt 14.155 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 88,6% và 8,5% so với thực hiện năm 2020.

Đồng thời, ban lãnh đạo LTG cũng đề ra kế hoạch chiến lược với doanh thu thuần đạt 24.114 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỉ đồng, lần lượt tăng 221,3% và 8,5% so với năm 2020. Kế hoạch này bao gồm các ngành kinh doanh truyền thống và hoạt động cung ứng chiến lược với các đối tác xuất khẩu gạo.

Lộc Trời (LTG) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 lên 400 tỷ đồng - Ảnh 1.

LTG cho biết, năm 2021 doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng và liên kết các thành tố khác cùng tham gia và phát triển trong hệ sinh thái nông nghiệp bền vững với sự tham gia của nông dân từ các hợp tác xã; các cơ quan nhà nước, nhà khoa học cung cấp quy trình canh tác, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra, các hệ thống hỗ trợ về dịch vụ nông nghiệp, hạ tầng quản trị nguồn lực, hệ thống vận tải, lưu kho, chế biến...

Tại đại hội, HĐQT LTG còn một tờ trình đáng chú ý khác là phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) trong giai đoạn 2020 - 2024. Theo đó, tại thời điểm phát hành, LTG sẽ phát hành tối đa 3%/năm trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm và được giải toả 40% sau 1 năm, 30% sau 2 năm và 30% còn lại sau 3 năm. Cổ phiếu ESOP chỉ được phát hành khi tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hàng năm của LTG lớn hơn hoặc bằng 10%.

Ngoài ra, LTG cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.

 Trong Quý 1/2021, với doanh thu thuần của LTG ở mức 2.396,8 tỉ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2020 – giai đoạn hoạt động kinh doanh của LTG chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19.

Trong đó, đóng góp lớn nhất vẫn là mảng thuốc bảo vệ thực vật 1.014 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ; mảng lương thực góp 603 tỷ đồng; mảng hạt giống cây trồng mang về 121 tỷ đồng; bao bì và xây dựng lần lượt góp 28 tỷ đồng và 40 tỷ đồng trong tổng doanh thu doanh nghiệp.

Doanh thu trên giá vốn giúp lợi nhuận gộp trong kỳ của Lộc Trời tăng 233% lên 593 tỷ đồng. Các chi phí được kiểm soát, do đó, ba tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng 184 tỷ đồng, trong khi cùng thời điểm năm trước lỗ 37 tỷ đồng.

Lộc Trời lãi đậm nhờ thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh 1.

Doanh thu và biên lợi nhuận gộp được cải thiện giúp CTCP Tập đoàn Lộc Trời nối dài chuỗi tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2021.

So với Quý 1/2020, biên lợi nhuận gộp của LTG tiếp tục được cải thiện, đạt mức 24,7%. Trừ đi chi phí, LTG báo lãi sau thuế trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 183,6 tỉ đồng. Lợi nhuận phân bổ cho chủ sở hữu của công ty ở mức 181,8 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 38,5 tỉ đồng).

Theo LTG, kết quả kinh doanh khả quan của Quý 1/2021 được hỗ trợ bởi các yếu tố thời tiết thuận lợi và giá nông sản giữ mức cao khiến nông dân tích cực đầu tư sản xuất, tiếp đến là việc hệ thống phân phối của công ty đã hoạt động ổn định sau tái cơ cấu, điều chỉnh các chính sách quản lý.

LTG kỳ vọng ngành thuốc có thể tiếp tục tăng trưởng tốt khi ngành dịch vụ nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ hơn. Cùng với sự tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận gộp của mảng thuốc bảo vệ thực vật trong Quý 1/2021 đạt 534 tỉ đồng, tăng 4,3 lần so với Quý 1/2020.

Yếu tố thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác nông nghiệp khi dần chuyển sang trạng thái ENSO (trung tính) trong các tháng cuối năm 2021. Trong khi đó, World Bank dự báo giá lương thực sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do các lo ngại về an ninh lương thực sau Covid-19.

Tại thời điểm ngày 31/3/2021, quy mô tổng tài sản của Lộc Trời đạt mức 8.463 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền đạt 1.661 tỉ đồng, tăng 2,1 lần và chiếm 19,6% tổng tài sản. Ở chiều hướng ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 1.809 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 1.146 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ của doanh nghiệp 5.403 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay các ngân hàng đáo hạn trong vòng 12 tháng 2.055 tỷ đồng, chiếm 38% tổng nợ doanh nghiệp. Cuối quý I, vốn chủ sở hữu của Lộc Trời đạt 3.018 tỷ đồng trong đó có 806 tỷ đồng vốn góp và 1.093 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nhận định thêm về triển vọng kinh doanh của Lộc Trời trong năm 2021, Chứng khoán VDSC cho biết sẽ có hai động lực chính thúc đẩy mảng kinh doanh cốt lõi thuốc bảo vệ thực vật của doanh nghiệp khởi sắc.

Thứ nhất, hiện tượng El-nino đã đi qua nên tình trạng hạn mặn sẽ không quá tiêu cực như nửa đầu năm 2020, do đó, dự kiến mùa màng năm nay sẽ tốt hơn, đảm bảo chất lượng nông sản.

Khi chất lượng nông sản được đảm bảo và giá bán tốt hơn, nhờ không còn bị hạn chế thương mại với Trung Quốc như cuối quý I/2020, sẽ khuyến khích người nông dân chi tiêu cho vật tư nông nghiệp.

Thứ hai, thông qua mảng dịch vụ nông nghiệp, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật bán cho các hợp tác xã (với tổng diện tích trung bình cả năm ở mức 70.000 ha) vào khoảng 124 tỷ đồng, tương đương 2,6% doanh thu của mảng.

VDSC dự báo, năm 2021, doanh thu Lộc Trời đạt 8.352 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 425 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,3% và 16% so với thực hiện 2020.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/5, cổ phiếu LTG giảm 500 đồng về 38.900 đồng/cổ phiếu.

PV
Cùng chuyên mục