Lợi nhuận giảm 33% sau kiểm toán, Cao su Bà Rịa (BRR) nói gì?
CTCP Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) đã công bố báo cáo soát xét bán niên năm 2024 với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 104,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng tăng không đáng kể lên 20,3 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp tăng khoảng 1% lên 20%.
Kỳ này, Cao su Bà Rịa lãi hoạt động tài chính gần 2,5 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, cho vay. Trong khi chi phí lãi vay chỉ vỏn vẹn 19,3 triệu đồng. Chi phí bán hàng giảm 31% còn 2,1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7% lên 11,6 tỷ đồng.
Kết quả, Cao su Bà Rịa báo lãi trước thuế 22,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 31,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 79% và giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
So với báo cáo tự lập trước đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Cao su Bà Rịa đã lần lượt giảm 29% và 33%. Theo giải trình, báo cáo tài chính 6 tháng được soát xét bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Quốc tế, lợi nhuận từ hoạt động tài chính đã giảm 12,8 tỷ đồng so với lũy kế đến quý II/2024 đã công bố trước đó.
Nguyên nhân do giảm doanh thu về chia cổ tức từ CTCP Cao su Việt Lào đã có thông báo số 101/TB-CSVL ngày 27/6/2024 về việc chi trả cổ tức đợi 2/2023 chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức ngày 31/7/2024 nên doanh thu chia cổ tức sẽ được Cao su Bà Rịa ghi nhận vào quý III/2024.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Cao su Bà Rịa ở mức 1.601,2 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm với 79% là tài sản dài hạn.
Tài sản ngắn hạn ở mức 328,6 tỷ đồng. Trữ tiền tăng 36% lên 219 tỷ đồng, trong khi đó tại đầu năm trữ tiền ở mức 161 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 81% còn 13,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng giảm 30% còn 40,2 tỷ đồng.
Tính đến hết quý II/2024, tổng nợ phải trả của Cao su Bà Rịa là 257 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm. Đáng chú ý, doanh nghiệp không có nợ vay.
Tại ngày 30/6/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP là cổ đông lớn nhất tại Cao su Bà Rịa với tỷ lệ sở hữu 97,47%.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 14,5 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong đó, Thái Lan giảm 0,5%, Indonesia giảm 5,1%, Trung Quốc tăng 6,9%, trong khi Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam tăng 2,9%, Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3%.
Bên cạnh đó, tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ tăng 3% lên 15,67 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 5,5%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1%, Malaysia tăng 45,4%, Việt Nam tăng 6%, còn lại các nước khác giảm 3,8%.
Về tiêu thụ, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,67 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023. Trong đó, dự báo Việt Nam tăng 6% so với năm 2023
Theo đánh giá của Chứng khoán FPTS, ngành cao su tự nhiên đang dần bước vào giai đoạn thiếu hụt nguồn cung do bị ảnh hưởng bởi yếu tố: diện tích cao su chưa đi vào khai thác ở mức thấp, diện tích cao su trồng mới giảm dần; hiện tượng El Nino cực đoan ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch và xu hướng nhân công bỏ cạo mủ cao su và chuyển sang nghề khác ngày càng rõ rệt.