Lúa gạo tiếp tục tăng, giá xuất khẩu của gạo Việt sẽ cao đến hết năm 2022?

10/11/2022 17:59 GMT+7
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam những ngày đầu tháng 11 vẫn đang giữ ở mức 425 - 430 USD/tấn, cao hơn hàng của Thái Lan khoảng 20 USD/tấn, điều này khiến giá lúa trong nước tiếp tục tăng

Giá lúa gạo hôm nay 10/11: Giá lúa tăng 100 – 200 đồng/kg 

Những ngày đầu tháng 11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 425 - 430 USD/tấn. Dù tăng 5 USD/tấn so với tuần trước nhưng giá gạo 5% tấm của Thái Lan vẫn thấp hơn hàng cùng loại của Việt Nam khoảng 20 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ lại giảm 9 USD/tấn so với tuần trước, xuống còn 375 - 384 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ xuống thấp nhất trong hai tháng qua là do đồng rupee lao dốc, nhu cầu từ châu Phi giảm dần trong khi nguồn cung từ vụ mới tăng lên.

Tại Việt Nam, giá gạo trong nước đang tăng do nguồn cung khan hiếm, trong khi các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua lúa từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng đã ký. Đồng tiền của Việt Nam năm nay đã giảm khoảng 8% so với đồng USD, khuyến khích các nhà xuất khẩu đẩy mạnh bán hàng ra nước ngoài.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy khoảng 15.000 tấn gạo sẽ được bốc xếp tại cảng TP.HCM trong 10 ngày đầu tháng 11, phần lớn gạo sẽ được xuất sang Philippines, Papua New Guinea.

Lúa gạo tiếp tục tăng, giá xuất khẩu của gạo Việt sẽ cao đến hết năm 2022? - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 10/11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng điều chỉnh tăng 100 – 200 đồng/kg với nhiều mặt hàng lúa.

Giá lúa gạo hôm nay 10/11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng điều chỉnh tăng 100 – 200 đồng/kg với nhiều mặt hàng lúa. Cụ thể, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 – 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa Om 5451 6.500 – 6.650 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Với các chủng loại còn lại, giá đi ngang. Hiện nếp khô Long An đang được thương lái thu mua ở mức 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi Long An 8.000 – 8.100 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 9.800 – 10.000 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.800 – 9.900 đồng/kg; cám khô ở mức 8.700 – 8.800 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Theo Viện Chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.

Nhờ đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ 8 tháng năm nay tăng 84,8%, sang thị trường EU tăng 82,2%.

Nhận định về nhu cầu của thị trường xuất khẩu, đại diện công ty Trung An cho biết các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Theo đó, các đơn hàng liên tục được ký mới và gần đây công ty vừa trúng gói thấu xuất khẩu 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với giá trị hơn 9 triệu USD, dự kiến sẽ xuất khẩu vào đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu của gạo Việt sẽ cao đến hết năm 2022? 

Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 tăng cả lượng và kim ngạch. Cụ thể: Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022 cả nước xuất khẩu 713.546 tấn gạo, tương đương 341,06 triệu USD, giá trung bình 478 USD/tấn, tăng 22,4% về lượng và tăng 23,9% kim ngạch, giá tăng nhẹ 1,3% so với tháng 9/2022; so với tháng 10/2021 thì tăng 15,5% về lượng, tăng 6% kim ngạch nhưng giảm 8,2% về giá.

Trong tháng 10/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh trở lại 45,4% về lượng và tăng 50,6% kim ngạch so với tháng 9/2022, đạt 268.787 tấn, tương đương 122,91 triệu USD; nhưng giảm 2,6% về lượng, giảm 10,5% kim ngạch, giảm 8,2% về giá so với tháng 10/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 10/2022 tiếp tục tăng 24,7% về lượng và tăng 26,1% kim ngạch so với tháng 9/2022, đạt 131.609 tấn, tương đương 63,31 triệu USD; so với tháng 10/2021 thì tăng mạnh 66,7% về lượng, tăng 75% kim ngạch.

Tính chung cả 10 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,08 triệu tấn, tương đương trên 2,95 tỷ USD, tăng 17,4% về khối lượng, tăng 7,6% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng và chiếm 43% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,74 triệu tấn, tương đương 1,27 tỷ USD, giá trung bình 462,3 USD/tấn, tăng 30,8% về lượng, tăng 18,4% về kim ngạch nhưng giảm 9,5% về giá so với 10 tháng đầu năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 757.575 tấn, tương đương 382,68 triệu USD, giá trung bình 505 USD/tấn, giảm 18% về lượng và giảm 16,8% kim ngạch; giá tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 588.621 tấn, tương đương 264,46 triệu USD, giá 449,3 USD/tấn, tăng mạnh 88,4% về lượng và tăng 66,3% kim ngạch nhưng giảm 11,7% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 4,07 triệu tấn, tương đương 1,92 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng, tăng 9,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 511.396 tấn, tương đương 246,92 triệu USD, tăng 34,5% về lượng và tăng 22,7% kim ngạch.

Lúa gạo tiếp tục tăng, giá xuất khẩu của gạo Việt sẽ cao đến hết năm 2022? - Ảnh 2.

Khả năng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của ta đạt không dưới 6,5 triệu tấn, kim ngach thu về khoảng 3,4 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 có thể vượt kế hoạch 6,3- 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021.

Đến nay, sau 10 tháng đầu năm 2022, ngành gạo đã thực hiện được 93 - 96% kế hoạch xuất khẩu đề ra. Theo đó, trong 2 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 150.000 - 250.000 tấn là ngành hàng này có thể hoàn thành mục tiêu.

Trong khi đó, trung bình mỗi tháng đầu năm, ngành gạo đã xuất khẩu được 600.000 tấn/tháng, do đó, có thể thấy, dự báo xuất khẩu gạo vượt mục tiêu đưa ra là hoàn toàn khả thi với thực tế hiện nay.

Theo số liệu Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn.

Nguyên nhân tăng giá là do nhu cầu nhập khẩu quốc tế những tháng cuối năm tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa. 

Việc giá gạo Việt cao hơn so với gạo của Thái Lan không phải là lần đầu tiên xảy ra. Những năm gần đây, đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Việc gạo Việt Nam bán cao hơn gạo Thái là chuyện đã dần trở nên bình thường. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Dự báo thị trường gạo cuối năm, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng tăng sẽ kéo dài trong thời gian tới. Mức giá cao của gạo Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 12.

Lý do là do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng với tình hàng khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Khả năng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của ta đạt không dưới 6,5 triệu tấn, kim ngach thu về khoảng 3,4 tỷ USD.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục