Lực mua ổn định trên thị trường chứng khoán
Tâm lý thận trọng trong phiên review ETF
Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 trong sáng ngày 31.8, số liệu này tiếp tục đi xuống kể từ mức đỉnh thiết lập vào ngày 31.7. Nỗ lực khoanh vùng, cách ly và thực hiện giãn cách xã hội của Việt Nam cho thấy hiệu quả tạo điều kiện cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sớm quay lại trạng thái bình thường.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 (31.8), tâm lý trên thị trường được nâng đỡ, giúp VN-Index bật tăng ngay từ thời điểm mở cửa và đạt mức điểm cao nhất trong ngày tại 888,4 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng mạnh khiến chỉ số thu hẹp dần biên độ về tham chiếu trong khoảng thời gian còn lại. Cầu tham gia vào cuối phiên giúp VN-Index tăng nhẹ lúc đóng cửa, đạt 881,65 điểm.
Phiên 31.8 cũng là phiên giao dịch cơ cấu danh mục của các ETF mô phỏng các chỉ số của MSCI, trong đó bao gồm iShares ETF (quỹ mô phỏng MSCI Frontier Markets 100 Index). Theo thông tin của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research, hiện iShares ETF có quy mô 371,2 triệu USD trong đó thị trường Việt Nam chiếm tỉ trọng 11,81%. “Mặc dù phiên ATC không ghi nhận biến động đáng kể của VN-Index và VN30-Index. Tuy vậy thông tin liên quan đến kỳ cơ cấu của ETF thường khiến tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư trở nên thận trọng, qua đó cũng góp phần giải thích cho việc thu hẹp đà tăng của VN-Index trong phiên 31.8”, SSI Research nhận định.
Chỉ số đại diện nhóm vốn hóa lớn tiếp tục có vận động tốt nhất khi chỉ số VN30-Index tăng 0,24% còn VNMidcap-Index và VNSmallcap-Index giảm tương ứng 0,83% và 1,11%.
Lực mua ổn định
Một điểm tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam là khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao. Tổng kết phiên giao dịch 31.8, khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE tăng nhẹ 2% so với phiên giao dịch trước, đạt mức 322,7 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng với hơn 5.630 tỉ đồng giá trị giao dịch. Đây cũng là phiên thứ sáu liên tiếp khối lượng giao dịch của thị trường nằm trên đường trung bình 50 ngày cho thấy lực mua vào vẫn đang ổn định.
Theo đánh giá của SSI Research lực cung tăng về cuối phiên cho tín hiệu kém khả quan trong ngắn hạn. Tuy nhiên, áp lực bán tập trung nhiều hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi nhóm này đã có 1 khoảng thời gian hút tiền trước đó.
Ở góc nhìn phân tích kỹ thuật, SSI Research cho biết chỉ số VN-Index đang hình thành một mô hình Wedge tăng và cho thấy động lực tăng giá có phần suy yếu sau một giai đoạn tăng khá mạnh từ vùng đáy 780 điểm. “Trong hai phiên giao dịch gần nhất, chỉ số VN-Index đều lùi lại sau khi chạm cạnh trên của Wedge cho thấy mô hình này đang phát huy tác dụng”, SSI Research nhận xét.
Theo SSI Research, thông thường với mô hình Wedge thì xu hướng tiếp theo của giá sẽ được dự báo bằng việc giá phá cạnh nào của Wedge (giá sẽ tiếp tục xu hướng tăng nếu phá cạnh trên của Wedge hoặc sẽ điều chỉnh giảm nếu phá cạnh dưới). Hiện tại, giá vẫn nằm giữa hai cạnh của Wedge nên thị trường nhiều khả năng vẫn dao động với biên độ hẹp trong một vài phiên tới.
Còn theo nhận định của các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán MB (MBS), phiên giao dịch 31.8 không phải là phiên đầu tiên thị trường bị ép xuống ở thời điểm cuối phiên. Thanh khoản trên thị trường tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm bluecchips đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 880 điểm. Về mặt phân tích kỹ thuật, MBS cho biết xu hướng tăng của thị trường vẫn tiếp tục được củng cố khi chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh tháng 7 và xu hướng giảm giá kể từ đầu năm. “Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluecchips, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này, thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 900 điểm”, MBS nhận định.