Lượng lợn đang khan, giá lợn hơi miền Bắc tạm thời tăng trở lại
Giá lợn hơi hôm nay 07/06/2023, biến động nhẹ
Giá lợn hơi hôm nay 07/06/2023, biến động nhẹ. Tại miền Bắc, ghi nhận lượng lợn đang khan - thương lái đang tìm thu mua với giá cao, người dân nuôi hi vọng giữ lợn lại nhằm tăng thêm trọng lượng. Giá lợn hơi tại miền Trung và miền Nam giữ giá đi ngang, dao động trong khoảng 56-60.000 đồng/kg.
Ngày 7/6, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam đứng ở mức 61.500 đồng/kg, ổn định từ giữa tháng 5 đến nay. Giá lợn Trung Quốc hôm nay đứng ở mức 45.900 đồng/kg, giảm nhẹ so với hôm qua.
Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 57.000 - 59.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc đứng ở mức 57.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định và Hà Nam.
Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá cao nhất khu vực 59.000 đồng/kg được ghi nhận tại Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội. Các địa phương còn lại trong khu vực ghi nhận giá lợn hơi ở mức 58.000 đồng/kg.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá 58.000 đồng/kg được thương lái thu mua tại tỉnh Lâm Đồng.
Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động mới về giá, trong đó, lợn hơi tại hai tỉnh Quảng Trị và Đắk Lắk được thu mua với giá 56.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực.
Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại một loạt các địa phương như Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Các địa phương còn lại trong khu vực ghi nhận giá lợn hơi ở mức 57.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi duy trì trong khoảng 57.000 - 60.000 đồng/kg. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh giá thu mua về mức 58.000 đồng/kg.
Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động mới về giá, trong đó, lợn hơi tại các địa phương bao gồm Bình Dương, Đồng Tháp và Tiền Giang được thương lái thu mua ở mức 57.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Mức giá cao nhất khu vực 60.000 đồng/kg được ghi nhận tại Long An, Bạc Liêu. Thương lái tại các địa phương còn lại trong khu vực duy trì thu mua lợn hơi với giá trong khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 5/2023, ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 5 năm 2023 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022. Giá thịt lợn hơi trong tháng 5 có dấu hiệu khởi sắc, xu hướng tăng. Theo số liệu ước tính của Tổng cục thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022.
Tại thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 6/2023 ở Chicago, Mỹ biến động giảm với mức giảm 11,025 UScent/lb xuống mức 80,675 UScent/lb. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung thịt lợn dồi dào.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng thịt lợn thế giới và thương mại quốc tế đều giảm. Theo đó, sản lượng thịt lợn thế giới năm 2023 dự kiến đạt 114,3 triệu tấn, giảm 0,2% so với tổng sản lượng năm 2022. Xuất khẩu toàn cầu được dự báo đạt 9,88 triệu tấn trong năm 2023, giảm 0,1% so với năm 2022. Nhập khẩu dự kiến sẽ đạt 10,6 triệu tấn, giảm 3,4% so với năm 2022. Mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng 0,2%, lên 113,7 triệu tấn trong năm 2023.
USMEF công bố số liệu từ USDA, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ trong tháng 3/2023 đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, đạt 260.195 tấn, tăng 17% so với tháng 3/2022 và là khối lượng lớn thứ chín từ trước đến nay, giá trị xuất khẩu cũng lớn thứ 9 với 724 triệu USD, tăng 18%.
Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ đạt 716.691 tấn, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 14% về khối lượng và tăng 15% về kim ngạch so với quý I/2022.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USMEF cho biết, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ tiếp tục tăng ở nhiều thị trường Tây bán cầu và các thị trường châu Á Thái Bình Dương. Với mức tiêu thụ trong khu vực phục hồi về bằng mức trước dịch Covid và thịt lợn của Mỹ có giá rất cạnh tranh so với sản phẩm châu Âu, do đó năm 2023 xuất khẩu thịt lợn của Mỹ rất có tiềm năng tăng trưởng trên diện rộng.
Tháng 3 xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Mexico đạt 95.030 tấn, tăng 15% so với tháng 3/2022 và là tháng đạt mức cao thứ hai (sau tháng 1/2023), giá trị tăng 31% lên 195,7 triệu USD. Tính chung trong quý I/2023 xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Mexico đã tăng 11% lên 270.056 tấn, trong khi giá trị tăng 34% lên 541,7 triệu USD. Thịt lợn Brazil đã được tiếp cận thị trường Mexico từ cuối năm 2022 với một lượng nhỏ, nhưng xuất khẩu tháng 2/2023 đã đạt 27 tấn và tháng 3/2023 đạt 189 tấn.
Xuất khẩu thịt lợn Mỹ tháng 3 sang Cộng hòa Dominica đạt 13.181 tấn, tăng 87% so với tháng 3/2022 và phá vỡ kỷ lục trong tháng 2/2023 là 10.681 tấn. Giá trị xuất khẩu cũng đạt kỷ lục 33,6 triệu USD, tăng 88%. Với sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch, nhu cầu bán lẻ mạnh mẽ, lợi thế thuế quan đáng kể so với các nhà cung cấp lớn khác và sản xuất trong nước vẫn còn hạn chế do dịch tả lợn châu Phi (ASF), xuất khẩu quý I/2023 sang Dominica đã tăng 72% so với tốc độ kỷ lục của năm ngoái lên 32.047 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 87% lên 85,1 triệu USD. Xuất khẩu cũng có xu hướng tăng cao sang thị trường Bahamas, quần đảo Leeward-Windward, Antilles thuộc Hà Lan và quần đảo Cayman, đồng thời tăng trở lại sang Trinidad và Tobago, nâng khối lượng xuất khẩu trong quý I/2023 sang Caribe tăng 63% lên 36.598 tấn, trị giá 101,5 triệu USD (tăng 72%).
Với việc giảm thuế nhập khẩu và sản xuất tại thị trường Philippines vẫn đang khó khăn để phục hồi sau dịch ASF, do đó nhu cầu đối với thịt lợn Mỹ đang tăng. Xuất khẩu tháng 3 đạt 5.077 tấn là mức lớn nhất kể từ tháng 8/2022, tăng 65% so với tháng 3/2022, trị giá 9,6 triệu USD (tăng 42%). Xuất khẩu trong I/2023 sang Philippines đạt 11.769 tấn, tăng 49%, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 43% lên 28,9 triệu USD.
Đối với khu vực ASEAN, xuất khẩu quý I/2023 tăng 49% về lượng (13.960 tấn) và 40% về giá trị (35,2 triệu USD). Xuất khẩu sang Malaysia đạt tốc độ kỷ lục 556 tấn, tăng so với chỉ 73 tấn trong quý I/2022, ttrong đó riêng tháng 3/2023 đạt kỷ lục 467 tấn do sản xuất của Malaysia cũng bị ảnh hưởng bởi dịch ASF và chi phí đầu vào cao.
Các thị trường xuất khẩu thịt lợn nổi bật khác của Mỹ trong quý I/2023 gồm: Xuất khẩu thịt lợn tháng 3 sang Hàn Quốc tăng 26% so với tháng 3/2022 lên 19.054 tấn, với giá trị tăng 14% lên 58,6 triệu USD, nâng khối lượng quý I/2023 tăng 3% so với quý I/2022, mặc dù giá trị vẫn giảm 7% xuống còn 143,4 triệu USD.
Sau khi có xu hướng giảm trong những năm gần đây, xuất khẩu thịt lợn sang Australia – thị trường trọng điểm đối với thịt mông và thăn không xương để chế biến – đã bắt đầu phục hồi vào năm 2023. Xuất khẩu trong quý I/2023 tăng 26% so với quý I/2022 cả về khối lượng (10.106 tấn) và giá trị (36 triệu USD).
Xuất khẩu thịt lợn sang Nhật Bản cũng tăng cao trong tháng 3, tăng 4% lên 33.297 tấn, mặc dù giá trị ggiarm nhẹ đạt mức 133,1 triệu USD. Trong quý I/2023, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 1% về lượng (90.329 tấn) và giảm 8% về giá trị (362,8 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang Trung Quốc/Hồng Kông tiếp tục có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với lượng hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tăng 29% lên 134.881, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 26% lên 352,2 triệu USD.
Nhu cầu đối với thịt lợn Mỹ cũng đang hồi phục tại thị trường Đài Loan, khối lượng quý I/2023 tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tăng 191% lên 1.492 tấn. Giá trị xuất khẩu tăng 275% lên 5,5 triệu USD.
Trung Quốc/Hồng Kông vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của thịt lợn Mỹ, bên cạnh đó xuất khẩu quý I cũng tăng đáng kể sang Mexico, Philippines, Colombia, Cộng hòa Dominica, Honduras và Việt Nam, đạt 147.338 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, giá trị tăng 23% lên 345,6 triệu USD.
Được biết với Việt Nam, về xuất khẩu: Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 5,83 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,62 triệu USD, tăng 70,3% về lượng và tăng 81,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 44,04% về lượng và chiếm 64,84% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với gần 2,57 nghìn tấn, trị giá 16,61 triệu USD, tăng 79,8% về lượng và tăng 102% về trị giá so với quý I/2022.
Trong quý I/2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lượng thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất. Thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt, Việt Nam phải đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các quy định thị trường mà chúng ta hướng tới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.
Trong quý I/2023, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: Chân gà đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc); Thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu duy nhất sang thị trường Hồng Kông); Thịt ếch đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Bỉ, Hoa Kỳ, Pháp…); Thịt lợn nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu duy nhất sang thị trường Hồng Kông); Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (được xuất khẩu sang thị trường Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Lào, Malaysia)… Đáng chú ý, trừ thịt ếch đông lạnh, xuất khẩu các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt trên đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022.
Về nhập khẩu: Do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong quý I/2023. Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 130,46 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 271,36 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt dự kiến sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu dùng đang dần phục hồi. Tuy nhiên do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong các tháng tới.
Trong quý I/2023, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 37,01 nghìn tấn, trị giá 104,73 triệu USD, giảm 7,6% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý I/2023, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt trâu, thịt lợn, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu 14,49 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 34,68 triệu USD, giảm 31,3% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi sản lượng lợn liên tục phục hồi. Trong đó, Nga, Brazil, Đức, Hà Lan và Canada là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 4,88 nghìn tấn, trị giá 14,05 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.