Maybank KimEng: Kinh tế Việt Nam triển vọng tăng trưởng 6% trong quý II
Dự báo tăng trưởng GDP quý II đạt 6%
Các nhà phân tích MayBank KimEng dự báo mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong năm 2021 đạt 6,5%, tuy nhiên cảnh báo nguy cơ từ sự bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian gần đây.
Dự báo GDP quý II được duy trì ở mức 6%, tăng so với mức 4,5% hồi quý I.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất hiện là làn sóng dịch nghiêm trọng nhất mà Việt Nam ghi nhận từ đầu mùa dịch đến nay. Nhiều địa phương đã buộc phải áp đặt các hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, chẳng hạn thủ đô Hà Nội cấm tụ tập quá 10 người và đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như cơ sở giải trí, quán bar, quán rượu bia...
Các chỉ số về tính di động cho thấy rằng mức chuyển động của người dân đã giảm khoảng 27% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Doanh số bán lẻ giảm 1% từ mức tăng 30,9% hồi tháng 4, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Dịch vụ lưu trí và ăn uống giảm 11,8% trong khu du lịch giảm mạnh 17,8%.
Sau khi ra lệnh đóng cửa tạm thời 4 khu công nghiệp ở Bắc Giang trong 10 ngày, chính quyền địa phương đã bắt đầu cho phép các nhà máy sản xuất mở cửa trở lại bắt đầu từ ngày 28/5, mặc dù với công suất hoạt động giảm và yêu cầu vận hành khắt khe hơn. MayBank KimEng dự báo động thái này có thể làm chậm lại đà phục hồi kinh tế của Việt Nam, vốn được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất cốt lõi.
Các nhà kinh tế Maybank KimEng cùng kỳ vọng NHNN sẽ giữ mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở khoảng 4% trong năm 2021. Dự báo tỷ giá USD/ VND duy trì quanh mức ổn định 22.600 VND đổi 1 USD vào cuối năm nay.
Sản lượng công nghiệp tăng trưởng vừa phải giữa sự bùng phát trở lại của đại dịch
Sản lượng công nghiệp tăng trưởng trung bình 11,6% trong tháng 5, giảm từ mức 22,2% trong tháng 4, một phần do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất tại một số khu công nghiệp miền Bắc ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Trong đó, sản lượng các ngành công nghiệp nhẹ tăng trưởng ở mức 14,6%, công nghiệp điện và khí đốt tăng trưởng 12%. Sự suy yếu của ngành công nghiệp khai thác đóng góp nhiều vào mức giảm chung, từ mức -0,7% trong tháng 4 xuống -9,8% trong tháng 5 do sản lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh 17,6%.
Ngành công nghiệp chế tạo cũng ghi nhận mức tăng trưởng suy yếu từ 26,4% trong tháng 4 xuống 14,6% trong tháng 5, đóng góp bởi sự suy yếu ở cả ngành sản xuất điện tử và phi điện tử.
Trong lĩnh vực sản xuất điện tử, sản lượng chế tạo các sản phẩm máy tính, điện tử, thiết bị quang học giảm mạnh từ mức tăng 38,2% trong tháng 4 xuống 19,5% trong tháng 5. Theo các chuyên gia kinh tế Maybank KimEng, tình trạng thiếu chip và sự tăng giá cước vận chuyển trên toàn cầu đã góp phần tác động đến mức tăng trưởng thấp hơn của toàn ngành.
Với lĩnh vực phi điện tử, mức tăng trưởng cũng giảm tốc, dẫn đầu là sản lượng sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị giảm 18,1%. Ngành sản xuất đồ uống giảm 0,5% trong khi sản xuất dược phẩm giảm 0,8%. Một số ngành sản xuất vẫn duy trì mức tăng trưởng dù yếu hơn tháng 4, chẳng hạn sản lượng nội thất tăng 26,2%, sản phẩm da tăng 21,2%, hàng may mặc tăng 12,9%, do đây được đánh giá là những ngành ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 mới nhất.
Xuất khẩu tăng trưởng vững chắc nhưng thâm hụt thương mại mở rộng
Các nhà phân tích MayBank KimEng chỉ ra rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc 35,6% trong tháng 5, dù mức tăng suy yếu nhẹ so với mức 50,8% của tháng 4. Các mặt hàng máy móc thiết bị dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu với mức tăng 56,8%, trong khi hàng dệt may tăng 35,1% và điện thoại di động tăng 26,4%. Xuất khẩu giày dép tăng trưởng mạnh 49% trong cùng kỳ, cao hơn mức tăng 42,4% hồi tháng trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử lại gây bất ngờ khi ghi nhận mức tăng trưởng giảm mạnh xuống 9,4%, thấp nhất trong 16 tháng.
Xét theo thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm so với đợt tăng trưởng mạnh hồi tháng 4, chỉ riêng hai thị trường Trung Quốc và Nhật Bản là ngoại lệ. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 14,3% từ mức 9% trong tháng 4, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 28,8% so với mức 17,7% hồi tháng 4.
Mặc dù giảm nhẹ so với tháng 4, xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng 53,9% và xuất khẩu sang ASEAN tăng 52%. Xuất khẩu sang EU tăng 16,6% và Hàn Quốc tăng 22,4%.
Các nhà phân tích MayBank KimEng nhận định tốc độ tiêm chủng nhanh chóng ở các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Dù vậy, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và đợt bùng phát đại dịch mới nhất kèm theo cước phí vận tải cao có thể gây áp lực lớn lên các nhà xuất khẩu máy móc linh kiện điện tử trong thời gian tới.
Kim ngạch nhập khẩu tăng 56,4% trong tháng 5, mức tăng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, qua đó đưa mức thâm hụt thương mại tăng lên 2 tỷ USD từ mức 1,2 tỷ USD trong tháng 4.
Lạm phát toàn phần tăng khi cước phí vận chuyển tăng nhanh nhất trong 1 thập kỷ
Lạm phát toàn phần tăng 2,9% trong tháng 5, từ mức 2,7% hồi tháng 4, một phần do chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng vọt 2,9% và lạm phát giao thông cũng tăng mạnh 21,2% - mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2011 so giá năng lượng toàn cầu nhảy vọt.
Lạm phát lõi ở mức 1,1%, nhích nhẹ so với mức 1% hồi tháng trước.
Lạm phát lương thực tăng nhẹ 0,2%, giảm so với mức tăng 0,5% hồi tháng 4. Đây là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 1/2018, do chi phí thực phẩm giảm 1,1% trong khi giá thịt lợn giảm thêm 1,6%.
MayBank KimEng dự báo mức lạm phát bình quân 3,5% trong toàn năm 2021, nhưng nâng dự báo lạm phát năm 2022 từ mức 3,3% trước đây lên 3,8%.
Lạm phát lõi bình quân 1,3% trong 5 tháng đầu năm 2021 hiện vẫn thấp hơn mức mục tiêu 4% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Tuy nhiên, giá hàng hóa và năng lượng toàn cầu tăng được dự báo có nguy cơ gây áp lực lớn hơn với chỉ số giá tiêu dùng CPI trong những tháng tiếp theo.