Mỏ quặng khổng lồ ở Congo sẽ "giải khát" cơn đói kim loại đồng của Trung Quốc?

05/09/2021 17:30 GMT+7
Lô hàng quặng đầu đầu tiên từ mỏ Kamoa-Kakula ở miền nam Cộng hòa Dân chủ Congo dự kiến ​​sẽ cập bến Trung Quốc trong tháng này, mở ra triển vọng xoa dịu phần nào cơn “đói đồng” của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Mỏ Kamoa-Kakula do liên doanh Trung Quốc - Canada vận hành, dự kiến sẽ sản xuất 200.000 tấn quặng mỗi năm trong giai đoạn đầu tiên trước khi tăng lên mức tối đa 800.000 tấn quặng mỗi năm hoặc hơn vào năm 2029. Theo Nikkei Asian Review, tất cả quặng sẽ được chế biến và bán tại Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong cơn “đói đồng” khi chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 sớm hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Đồng là kim loại quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, và chỉ số về đồng được đánh giá là thước đo quan trọng nói lên “sức khỏe” nền kinh tế một quốc gia. Trong cơn “đói đồng” trong nước, chính phủ Trung Quốc hồi tháng 6 đã tuyên bố sẽ mở kho dự trữ chiến lược quốc gia với các kim loại đồng, kẽm và nhôm. Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, Bắc Kinh thực hiện một động thái như vậy.

Nằm trong vành đai quặng đồng-coban Trung Phi, dự án mỏ Kamoa-Kakula là một trong những công trình khai thác quặng đồng quy mô lớn nhất trong 20 năm qua. Với trữ lượng hơn 43,69 triệu tấn, khu vực này tương đương 37% tổng trữ lượng đồng trên toàn Trung Quốc.

Mỏ quặng khổng lồ ở Congo sẽ "giải khát" cơn đói kim loại đồng của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Mỏ quặng khổng lồ ở Congo sẽ "giải khát" cơn đói kim loại đồng của Trung Quốc? (Ảnh: Reuters)

Dự án đã mất 6 năm để đi vào sản xuất với chi phí khai thác, sản xuất, bán hàng và vận chuyển lên tới 2.500 USD mỗi tấn. Nhưng trong tuần này, giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London đã tăng lên mức hơn 9.400 USD / tấn trong bối cảnh các nền kinh tế bắt đầu mở cửa sau đại dịch và nhu cầu đồng tăng lên quá lớn.

Các nhà đầu tư ở Kamoa-Kakula chỉ có thể kỳ vọng rằng họ không nhìn lầm về triển vọng từ khu mỏ này. Áp lực để thành công là rất lớn. Theo Hiệp hội Khai thác mỏ Trung Quốc, tỷ lệ thất bại của các khoản đầu tư mà Trung Quốc rót vào các mỏ nước ngoài trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) lên tới 80%. 

Từ đầu thế kỷ XXI, các công ty Trung Quốc đã “lùng sục” khắp thế giới để tìm kiếm nguyên liệu thô phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước. Gần 80% lượng đồng mà quốc gia này cần cho các dự án cơ sở hạ tầng, sản xuất và năng lượng nội địa đều đến từ nước ngoài. Nhưng Trung Quốc khó tiến sâu vào các khu vực khai thác mỏ  phát triển như Canada và Úc do rào cản trong việc tuân thủ quy định, tiêu chuẩn báo cáo và quy trình kỹ thuật tại các thị trường phát triển này. 

Trong khi tỷ trọng tổng chi phí đầu tư thăm dò khai thác ở nước ngoài của Trung Quốc tại Canada, Úc và Đông Nam Á giảm đáng kể từ con số 22,5% năm 2011 xuống 5,6% năm 2020, thì đầu tư vào châu Phi và Mỹ Latinh lại tăng vọt từ 10,1% lên 18,7% trong cùng kỳ.

Nhà phân tích Bo Shaochuan, chủ tịch công ty tư vấn Mining Circle tin rằng Trung Quốc thường có xu hướng chấp nhận rủi ro lớn hơn các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ khi tìm đến những địa điểm khai thác mỏ như Congo, nơi tiềm tàng nhiều bất ổn chính trị. Trung Quốc cũng đầu tư vào một mỏ đồng ở Afghanistan, ngoại ô Kabul, nơi đang phải đối diện với tình trạng bất ổn xã hội sau khi chính phủ do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ và lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát.

Được đặt tên theo hai đoạn của vành đai giàu quặng ở phía nam của Cộng hòa Dân chủ Congo, dự án khai thác mỏ Kamoa-Kakula là một trong ba dự án đang được vận hành bởi Ivanhoe Mines, một công ty khai thác mỏ có trụ sở ở miền nam châu Phi do Robert Friedland, người từng là bậc thầy của Steve Jobs đứng đầu. Sau thành công với các dự án khai thác ở Vịnh Voisey, Canada và mỏ đồng vàng Oyu Tolgoi ở Mông Cổ, Ivanhoe Mines đã giành được quyền thăm dò tại dự án mỏ Kamoa-Kakula gần thành phố Kolwezi của Congo vào năm 2003 trước khi phát hiện trữ lượng đồng ở khu vực phía Bắc mỏ vào năm 2008. 

Khi Citic Metal trở thành cổ đông của Ivanhoe, công ty Canada này không có đủ tiền để đầu tư vào việc phát triển dự án và phát hiện toàn bộ lượng dự trữ của mỏ mà chỉ có thể sử dụng nguồn tài trợ hạn chế từ các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ để thăm dò, khoan và nghiên cứu tính khả thi. Do đó, ông Robert Friedland đã kiên nhẫn đàm phán với các cộng sự Trung Quốc bao gồm Chen Jinghe, nhà địa chất hàng đầu tại công ty khai thác mỏ hàng đầu Trung Quốc Zijin Mining để thành lập một liên doanh khai thác. 

Các cuộc đàm phán đã mở đường cho khoản đầu tư ban đầu của Zijin Mining vào Ivanhoe Mines trong năm 2015. Dưới sự chỉ đạo của ông Chen Jinghe, hóm nghiên cứu tiềm năng này sau đó tìm thấy các nguồn tài nguyên phong phú ở phía Nam mỏ. Bốn năm sau, vào tháng 10/2019, Zijin Mining tăng cổ phần tại Ivanhoe Mines và trở thành cổ đông lớn thứ hai. Hiện dự án khai thác mỏ đồng Kamoa-Kakula đang được vận hành như một liên doanh các công ty Trung Quốc và Canada do chính phủ Congo nắm 20% cổ phần, Ivanhoe Mines với 39,6%, Zijin Mining với 26,1% và Citic Metal với 13,7%.


NTTD
Cùng chuyên mục