Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà dịch Covid-19 không thể ảnh hưởng tiêu cực

16/11/2021 06:56 GMT+7
Dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến...

Phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới

Việt Nam là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu. Tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 22,15%/năm, từ 424,17 triệu USD năm 2016 tăng lên 929,78 triệu USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng trị giá thế giới tăng từ 0,72% năm 2016 lên 1,46% năm 2020.

Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà dịch Covid-19 không thể ảnh hưởng tiêu cực - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến. Ảnh: CT

Việt Nam là nước nhiệt đới với sự ưu đãi về điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp cho sản xuất nhiều loại trái cây. Những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây, hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trái cây cả nước. Để chủ động nguồn cung sản phẩm chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới”.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến của Việt Nam đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam năm 2019 tăng tới 41,2% so với năm 2018, nhưng sau đó có dấu hiệu chậm lại. Năm 2020, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam tăng 11,1% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, do khó khăn trong khâu vận chuyển, trong khi vấn đề bảo quản hàng rau quả tươi của Việt Nam còn hạn chế, do đó, doanh nghiệp có sự chuyển dịch khá thành công khi đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến. 

Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà dịch Covid-19 không thể ảnh hưởng tiêu cực - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến tháng 9/2021 đạt 65,42 triệu USD, tăng 13,7% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia … Giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức cao, ngoại trừ năm 2020 chỉ tăng 4,4% so với năm 2019. 

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam chuyển dịch thành công sang sản phẩm rau quả chế biến. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng 24,8% so với 9 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, tốc độ xuất khẩu mặt hàng sang một số thị trường chính tăng trưởng ở mức 2 con số như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia, Ấn Độ.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nga, Australia tăng lần lượt từ 22,79%, 11,79%, 6,05%, 2,88% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 24,88%, 11,96%, 6,44%, 4,07% trong 9 tháng đầu năm 2021. Nhìn chung, ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm. 

Với kết quả đạt được trong cả năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp... Bên cạnh đó, khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. 

Vẫn còn nhiều dư địa để khai thác

Việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm rau chất lượng cao mà không thay đổi các đặc tính dinh dưỡng. 

Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà dịch Covid-19 không thể ảnh hưởng tiêu cực - Ảnh 3.

Ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Ảnh: CT

Sự hiện diện của các kênh bán lẻ và thương mại điện tử ở các nước phát triển và đang phát triển giúp tăng doanh số bán rau quả chế biến. Nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU trong những năm gần đây tăng trưởng ở mức cao. 

Giai đoạn 2016 – 2020, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Mỹ tăng trưởng bình quân 3,73%/năm, từ 7,94 tỷ USD năm 2016 tăng lên 9,15 tỷ USD năm 2020. EU nhập khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng bình quân 2,7%/năm, từ 22,77 tỷ USD vào năm 2016 tăng lên 25,22 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng bình quân 9,02%/ năm, từ 982 triệu USD vào năm 2016 tăng lên 1,34 tỷ USD vào năm 2020. 

Châu Âu là nhà nhập khẩu rau quả chế biến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu. Khoảng 30% kim ngạch buôn bán trái cây và rau quả chế biến của châu Âu đến từ các nước đang phát triển. Ngoài ra, hầu hết thương mại nội khối châu Âu được thực hiện từ việc tái xuất khẩu trái cây và rau quả đã qua chế biến đến từ các nước đang phát triển. 

Trong 5 năm tới, nhập khẩu rau quả chế biến của châu Âu dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2% đến 3%, tùy thuộc vào chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang EU vẫn còn ở mức thấp. Kỳ vọng EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng rau quả chế biến sang thị trường tiềm năng lớn EU trong thời gian tới. 

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật từ thế giới đạt 1,38 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là nguồn cung chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Trung Quốc từ Việt Nam đạt xấp xỉ 254 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 154,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 18,31% trong 8 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với thị phần 12,64% trong 8 tháng đầu năm 2020.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Mỹ đạt xấp xỉ 6,6 tỷ USD, tăng 17,4% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Mỹ từ Việt Nam đạt 152,25 triệu USD, tăng 53,4% so với 8 tháng đầu năm 2020. 

Thị phần chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ chiếm 2,31% trong 8 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với thị phần 1,88% trong 8 tháng đầu năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ trái cây và rau củ của Mỹ tăng nhờ tác dụng tốt của sản phẩm đối với sức khỏe và thu nhập của người dân tăng. 

Xu hướng tiêu thụ tăng bởi các yếu tố, bao gồm cả sự gia tăng sản xuất trong nước, sự tiện lợi của sản phẩm, cải tiến công nghệ để duy trì chất lượng cho trái cây. Tuy nhiên, ngành chế biến rau quả Việt Nam hiện đang ở dạng chế biến thô và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài dưới thương hiệu khác, dẫn đến chuỗi giá trị gia tăng đối với ngành này còn thấp. 

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Nhưng trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. 

Đến nay, 76,2% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%. So với yêu cầu phát triển và hội nhập trong điều kiện cạnh tranh mới, thì ngành chế biến rau quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế. Sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm, đóng góp vào giá trị gia tăng của rau quả hàng hoá còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ đối với việc thay đổi cơ cấu cây trồng.

Dự báo, tiêu thụ rau quả chế biến toàn cầu dự kiến sẽ tăng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2026. Mặc dù xuất khẩu tăng khá, nhưng trị giá xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam trong giai đoạn năm 2016 – 2020 mới chỉ chiếm 1,1% trong tổng trị giá nhập khẩu của thế giới, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam khai thác và khắc phục các tồn tại nêu trên.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục