Một thập kỷ nữa, Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản thành nền kinh tế thứ 3 thế giới
Trước đó, các nhà kinh tế BofA dự báo Ấn Độ có thể vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu năm 2028. Nhưng cú sốc kinh tế nặng nề mà Ấn Độ phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vừa qua sẽ đẩy lùi mốc thời gian này xuống 3 năm, theo báo cáo mới nhất của BofA.
Các nhà kinh tế Indranil Sen Gupta và Aastha Gudwani của BofA Securities viết trong báo cáo: “Hiện chúng tôi kỳ vọng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2031, thay vì dự báo 2028 trước đó, do cú sốc đại dịch Covid-19”.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng Ấn Độ sẽ bắt kịp GDP danh nghĩa của Nhật Bản tính theo đồng USD vào năm 2031 nếu nước này duy trì tăng trưởng ở mức 9% hàng năm - với giả định tăng trưởng GDP thực tế khoảng 6%, tỷ lệ lạm phát trung bình là 5%. Báo cáo cho biết, nếu mức tăng trưởng đạt tới 10% thì Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản vào năm 2030.
Ấn Độ đã phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào năm 2020 khi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi buộc phải đóng cửa quốc gia một thời gian dài để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan đại dịch. Hàng triệu người mất việc làm, tăng trưởng kinh tế lao dốc. Dù nền kinh tế đang chứng kiến những dấu hiệu hồi phục, cơ quan xếp hạng S&P cho biết Ấn Độ có thể sẽ mất vĩnh viễn 10% sản lượng kinh tế so với dự báo trước đại dịch.
Tuy nhiên, BofA cho biết các động lực chính của tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ đang được củng cố, chẳng hạn như tăng trưởng tài chính mạnh mẽ.
Tỷ lệ sinh tại Ấn Độ có xu hướng giảm đồng nghĩa sẽ có ít người cần trợ cấp một khi họ già đi, tức là tỷ lệ phụ thuộc trong nền kinh tế giảm. Xu hướng này cho phép các quốc gia hướng các nguồn lực khan hiếm sang các lĩnh vực khác có thể tăng tốc độ phát triển kinh tế. BofA Securities cho biết nguồn cung lao động tăng sẽ kéo tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ xuống trong 10 năm tới. Điều này dự kiến sẽ giúp duy trì tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao trong nền kinh tế.
Báo cáo dự đoán lực lượng lao động có tay nghề cao của Ấn Độ sẽ tăng lên và đạt quy mô lớn. Tỷ lệ nợ trên GDP cũng dự kiến sẽ tăng trong thập kỷ tới trong khi sự xuất hiện của thị trường đại chúng được thiết lập để đẩy giá hàng hóa xuống.
Báo cáo cũng đề cập tới hai “chất xúc tác mới” được kỳ vọng sẽ thúc đẩy những thay đổi cấu trúc có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Thứ nhất, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã xây dựng dự trữ ngoại hối trong nước, có khả năng giúp ổn định đồng rupee và ngăn chặn sự mất giá lớn của đồng tiền này trong các cú sốc toàn cầu. Thứ hai, dòng vốn đầu tư dự kiến sẽ tăng và chi phí vay cho các doanh nghiệp trong nước giảm theo hướng ngược lại. Hơn nữa, việc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ nới lỏng chính sách tiền tệ làm giảm lãi suất cho vay thực tế, vốn là lực cản với tăng trưởng kinh tế từ năm 2016, cũng là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây đã làm dấy lên mối quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai. Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh quá trình tiêm chủng vắc xin, mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người trong giai đoạn hiện tại.