Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc năm 2021 với người lao động

13/11/2020 07:24 GMT+7
Khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), điều người lao động cần quan tâm là mức lương đóng BHXH. Dưới đây là các khoản thu nhập và mức lương tháng đóng BHXH theo quy định năm 2021.
Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc năm 2021 với người lao động - Ảnh 1.

Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Ảnh minh họa Internet

Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc năm 2021 với người lao động

Căn cứ theo theo khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau: Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Trong đó, các khoản bổ sung khác được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Vậy, các khoản thu nhập của người lao động tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm:

- Tiền lương.

- Phụ cấp chức vụ, chức danh.

- Phụ cấp trách nhiệm.

- Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Phụ cấp thâm niên.

- Phụ cấp khu vực.

- Phụ cấp lưu động.

- Phụ cấp thu hút.

- Các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Mức lương tháng đóng BHXH năm 2021

Căn cứ điểm 2.6 khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quy trình thu BHXH ban hành kèm Quyết định số 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng tối thiểu và tối đa đóng BHXH được quy định như dưới đây.

Mức lương tháng đóng BHXH tối thiểu

Mức tiền lương tháng để tính mức đóng BHXH bắt buộc như sau:

- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so mức lương làm việc ở điều kiện bình thường hoặc có độ phức tạp tương đương khi làm việc ở điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trong đó, lương tối thiểu vùng năm 2021, theo phương án đã được trình Chính phủ xem xét, quyết định, có nhiều khả năng vẫn sẽ giữ nguyên như năm 2020 và thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP.

Như vậy, mức lương tháng đóng BHXH tối thiểu cụ thể với từng vùng và từng đối tượng lao động là:

                                                                                                                                       Đơn vị: đồng/tháng

Vùng

Người làm việc trong điều kiện bình thường

Người đã qua học nghề, đào tạo nghề

Người đã qua học nghề, đào tạo nghề làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Người đã qua học nghề, đào tạo nghề làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Vùng I

4.420.000

4.729.400

4.965.870

5.060.458

Vùng II

3.920.000

4.194.400

4.404.120

4.488.008

Vùng III

3.430.000

3.670.100

3.853.605

3.927.007

Vùng IV

3.070.000

3.284.900

3.449.145

3.514.843


Mức lương tháng đóng BHXH tối đa

Mức lương đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Vậy, mức lương tháng cao nhất để tính mức đóng BHXH bắt buộc = 20 x 1,49 = 29,8 triệu đồng/tháng.



A.Vũ
Cùng chuyên mục