Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa, nông sản cần phải có cái này

26/03/2021 06:26 GMT+7
Khi người tiêu dùng và cơ quan quản lý ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm, thì việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến, truy xuất nguồn gốc là chìa khóa để hàng hóa nói chung, nông sản Việt nói riêng có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để giúp cho doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ hơn về việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến, truy xuất nguồn gốc, ngày 25/3/2021, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả sản xuất – Tương lai của nguồn cung ứng toàn cầu". 

Sự kiện nhằm cung cấp những thông tin về hoạt động triển khai truy xuất nguồn gốc, chia sẻ các giải pháp hữu ích giúp doanh nghiệp tối ưu hoá sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả toàn chuỗi cung ứng.

Ứng dụng công nghệ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc là việc cần làm và cấp bách trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa, nông sản cần phải có cái này - Ảnh 1.

Hội thảo "Ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả sản xuất – Tương lai của nguồn cung ứng toàn cầu".

Để đón đầu xu hướng này,  ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 100/QĐ-TTG  phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. 

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước. 

Mục tiêu của đề án là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. 

Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa, nông sản cần phải có cái này - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Hội thảo.

Thông qua truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp, người sản xuất có thể phát hiện điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hoá và đặc biệt giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

Một trong những yêu cầu của nền kinh tế 4.0 là tăng cường khả năng tương tác thông tin giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng với yêu cầu trước tiên là số hoá dữ liệu truy xuất nguồn gốc. Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia hiện đang triển khai một loạt các ứng dụng truy xuất như:

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với nông sản cho phép các đơn vị thực hiện cập nhật nhật ký điện tử, liên kết toàn bộ thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị di động quét mã QR để xem lại toàn bộ lịch sử quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng cho việc minh bạch thông tin quá trình sản xuất tới khách hàng, mang lại niềm tin cho khách hàng và cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp; 

Ứng dụng bản đồ trái cây Việt Nam hỗ trợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thươn mại điện tử. Ứng dụng này có thể được phát triển thành giải pháp quản lý tổng thể hoạt động sản xuất nông nghiệp, cập nhật và theo dõi toàn bộ thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên từng thửa ruộng, làm cơ sở cho việc định hướng sản xuất và phán đoán xu hướng giá cả sản phẩm dựa trên thống kê nhu cầu tiêu thụ hàng năm.

Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa, nông sản cần phải có cái này - Ảnh 3.

Đoàn Công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn thăm cảng cáĐông Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Ứng dụng quản lý thẻ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới giúp cho cảnh sát giao thông thuận tiện tra cứu thông tin, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng thống kê tình trạng cấp bảo hiểm theo quy định và Công ty bảo hiểm quản lý hoạt động cấp bảo hiểm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Tập đoàn FUJITSU và Honeywell Việt Nam cũng đã cung cấp và chia sẻ một loạt các giải pháp ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản lý sản xuất; sử dụng công nghệ trong quản lý sản xuất nhằm tối ưu hoá chuỗi cung ứng và giới thiệu các thiết bị hỗ trợ ứng dụng công nghệ.


Vũ Thị Hải
Cùng chuyên mục