Mỹ - Trung tái khởi động đối thoại kinh tế 6 tháng một lần để giải quyết xung đột thương mại

12/01/2020 12:29 GMT+7
Mỹ và Trung Quốc mới đây đã đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán nửa năm một lần trong nỗ lực giải quyết triệt để các tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ - Trung sắp nối lại đối thoại kinh tế 6 tháng một lần để giải quyết xung đột thương mại  - Ảnh 1.

Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ Trung 1 năm 2 lần sắp được nối lại

Một nguồn tin của tờ Reuters cho hay việc tái khởi động đàm phán nửa năm một lần, còn được biết đến với tên gọi Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung sẽ được tuyên bố vào ngày 15/1 tới đây như một phần nội dung của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thông tin cũng được đăng tải trên tờ Tạp chí phố Wall.

Theo Reuters, nhiều khả năng Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung sẽ được dẫn đầu bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Thông qua các cuộc đàm phán định kỳ 6 tháng một lần, hai phái đoàn dự kiến sẽ xúc tiến giải quyết những mâu thuẫn gay gắt kéo dài lâu nay trong mối quan hệ thương mại song phương.

Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài gần 2 năm với việc áp thuế nhập khẩu trừng phạt và trả đũa lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của đối phương, qua đó giáng đòn mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tâm lý thị trường.

Đối thoại kinh tế chiến lược nửa năm một lần được bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (2001-2009) như một cách để hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới quản lý và giải quyết hàng loạt vấn đề thương mại nảy sinh khi kim ngạch xuất nhập khẩu song phương nở rộ nhanh chóng.

Cho đến thời Tổng thống Barack Obama (2009-2017), đối thoại vẫn được duy trì đều đặn. Vòng đối thoại đầu tiên dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump được tiến hành vào tháng 7/2017 với tên gọi Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ Trung. Nhưng sau đó, các phiên họp thường kỳ đã đổ vỡ khi chính quyền Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc cùng hàng loạt chỉ trích cạnh tranh thương mại không lành mạnh, ăn cắp bí mật thương mại, luật sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ vi phạm quy tắc thương mại quốc tế…

Dưới sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ, Donald Trump đã mạnh tay với Trung Quốc khi áp thuế trừng phạt 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ quốc gia này, đồng thời đưa hàng loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc vào danh sách đen. 

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung chỉ có bước ngoặt vào tháng 12/2019 khi hai phái đoàn thương mại nhất trí thông qua thỏa thuận giai đoạn 1, trong đó giải quyết một số xung đột thương mại cơ bản như mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, các quy chế sở hữu trí tuệ… Cùng với đó, Bắc Kinh được cho là cam kết tăng mua nông sản, năng lượng và hàng hóa dịch vụ từ Mỹ để đổi lại việc Mỹ đồng ý giảm thuế từ 15% xuống 7,5% với 120 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc bị áp thuế hồi tháng 9/2019, theo tiết lộ từ Nhà Trắng.

Phái đoàn thương mại Trung Quốc do Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sẽ có mặt tại Mỹ trong hai ngày 13-15/1 để ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Sau đó chỉ 1 ngày, Tổng thống Trump sẽ có chuyến công du Trung Quốc để thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2, trong đó giải quyết những mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục